Menu Hotline: 0989.869.523/ 0984.356.608

Thành lập công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú

Trên con đường phát triển của ngành du lịch và lưu trú, việc thành lập một công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú không chỉ là một cơ hội kinh doanh hấp dẫn mà còn là một sứ mệnh để tạo ra những trải nghiệm đáng nhớ và thoải mái cho du khách. Dịch vụ lưu trú không chỉ đơn thuần là nơi cung cấp chỗ ở cho du khách mà còn là một phần quan trọng trong việc tạo ra một trải nghiệm du lịch hoàn hảo, từ khâu tiếp đón, chăm sóc khách hàng đến việc cung cấp các dịch vụ tiện ích và giải trí. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá về các thủ tục cần thiết để thành lập một công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú. Từ quy trình đăng ký doanh nghiệp, lập hồ sơ thành lập công ty đến việc quản lý các vấn đề pháp lý và hành chính, mỗi bước trong quá trình này đều đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển một doanh nghiệp lưu trú thành công.

 

Dịch vụ lưu trú là gì? Kinh doanh dịch vụ lưu trú là gì?


Dịch vụ lưu trú là các dịch vụ cung cấp chỗ ở cho du khách, người đi công tác hoặc những người cần tạm trú tại một địa điểm nào đó trong một khoảng thời gian nhất định. Các loại hình dịch vụ lưu trú có thể bao gồm khách sạn, nhà nghỉ, khu căn hộ dịch vụ, nhà trọ, khu resort, nhà hàng và quán cà phê có phòng cho thuê, trại nghỉ, và nhiều hình thức lưu trú khác. Dịch vụ lưu trú thường đi kèm với các tiện ích như phòng ngủ, phòng tắm, dịch vụ ăn uống, giặt là, đưa đón sân bay, và các hoạt động giải trí.

Kinh doanh dịch vụ lưu trú là hoạt động kinh doanh liên quan đến cung cấp các dịch vụ lưu trú cho khách hàng. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này có thể hoạt động như khách sạn, nhà nghỉ, resort, hoặc cung cấp các dịch vụ lưu trú tại các địa điểm du lịch, thương mại hoặc công nghiệp. Kinh doanh dịch vụ lưu trú đòi hỏi các hoạt động quản lý hiệu quả về đặt phòng, tiếp đón khách hàng, bảo trì và vận hành cơ sở vật chất, quản lý nhân sự, tiếp thị và quảng bá, đồng thời đảm bảo chất lượng dịch vụ để thu hút và giữ chân khách hàng.

Các loại hình cơ sở dịch vụ lưu trú du lịch


- Khách sạn: cơ sở lưu trú du lịch bảo đảm chất lượng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch; bao gồm: Khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn bên đường, khách sạn nổi và khách sạn thành phố.

+ Khách sạn nghỉ dưỡng: được xây dựng thành khối hoặc thành quần thể các biệt thự, nhà thấp tầng, căn hộ, ở khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp;

+ Khách sạn bên đường: gần đường giao thông, có bãi đỗ xe nhằm phục vụ nhu cầu lưu trú của khách sử dụng phương tiện giao thông đường bộ (xe máy, ô tô) đi du lịch hoặc nghỉ ngơi giữa những chặng đường dài;

+ Khách sạn nổi: neo đậu trên mặt nước và có thể di chuyển khi cần thiết;

+ Khách sạn thành phố: được xây dựng tại các đô thị phục vụ khách du lịch.

- Biệt thự du lịch: biệt thự có trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê và có thể tự phục vụ trong thời gian lưu trú.

- Căn hộ du lịch: căn hộ có trang thiết bị, dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch. Khách có thể tự phục vụ trong thời gian lưu trú.

- Tàu thủy lưu trú du lịch: phương tiện vận tải thủy có phòng ngủ phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch.

- Nhà nghỉ du lịch: cơ sở lưu trú có trang thiết bị, tiện nghi cần thiết phục vụ khách du lịch.

- Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê: nhà ở có khu vực được bố trí trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê lưu trú; khách cùng sinh hoạt với gia đình chủ nhà.

- Bãi cắm trại du lịch: khu vực được quy hoạch ở nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, có kết cấu hạ tầng, có cơ sở vật chất và dịch vụ cần thiết phục vụ khách cắm trại.

- Các cơ sở lưu trú du lịch khác.

Để có thể kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, cơ sở lưu trú du lịch phải đáp ứng các điều kiện sau theo quy định tại Điều 49 Luật Du lịch 2017:

+ Có đăng ký kinh doanh theo quy định;

+ Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định;

+ Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch theo quy định tại Mục 3 Chương V Nghị định 168/2017/NĐ-CP.

Điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú


– Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật

– Doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Như theo quy định tại Khoản 22 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP thì kinh doanh dịch vụ lưu trú là một trong những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự nên để kinh doanh dịch vụ này thì doanh nghiệp cần phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự. Bên cạnh đó là các yêu cầu về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường.

– Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch theo quy định tại Mục 3 Chương V Nghị định 168/2017/NĐ-CP, cụ thể:

Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với khách sạn

+ Có hệ thống điện, hệ thống cấp nước sạch và thoát nước;

+ Có tối thiểu 10 buồng ngủ; có quầy lễ tân, phòng vệ sinh chung;

+ Có nơi để xe cho khách đối với khách sạn nghỉ dưỡng và khách sạn bên đường;

+ Có bếp, phòng ăn và dịch vụ phục vụ ăn uống đối với khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn nổi, khách sạn bên đường;

+ Có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm;

+ Thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới;

+ Có nhân viên trực 24 giờ mỗi ngày và người quản lý, nhân viên được tập huấn về nghiệp vụ du lịch.

Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với biệt thự du lịch

+ Có hệ thống điện, hệ thống cấp nước sạch và thoát nước;

+ Có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm;

+ Thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới;

+ Có nhân viên trực 24 giờ mỗi ngày và phải có khu vực tiếp khách, phòng ngủ, bếp và phòng tắm, phòng vệ sinh.

Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với căn hộ du lịch

+ Có hệ thống điện, hệ thống cấp nước sạch và thoát nước;

+ Có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm;

+ Thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới;

+ Có khu vực tiếp khách, phòng ngủ, bếp và phòng tắm, phòng vệ sinh và người quản lý căn hộ được tập huấn về nghiệp vụ du lịch.

Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với tàu thủy lưu trú du lịch

+ Tàu trong tình trạng tốt, còn hạn đăng kiểm;

+ Có áo phao, phao cứu sinh, phương tiện thông tin liên lạc, tủ thuốc cấp cứu ban đầu;

+ Có điện, nước sạch;

+ Có thiết bị thu gom rác thải, nước thải bảo đảm vệ sinh môi trường;

+ Có khu vực đón tiếp khách, phòng ngủ (cabin), phòng tắm, phòng vệ sinh, bếp, phòng ăn và dịch vụ phục vụ ăn uống;

+ Có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm;

+ Thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới;

+ Người quản lý, nhân viên được tập huấn về nghiệp vụ du lịch và người quản lý, nhân viên phục vụ được tập huấn về nghiệp vụ du lịch, kỹ năng cứu hộ trên sông, biển.

Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với nhà nghỉ du lịch

+ Có điện, nước sạch và hệ thống thoát nước;

+ Có khu vực đón tiếp khách và phòng ngủ;

+ Có phòng tắm, phòng vệ sinh chung trong trường hợp phòng ngủ không có phòng tắm, vệ sinh riêng;

+ Có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm;

+ Thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới;

+ Có nhân viên trực 24 giờ mỗi ngày và người quản lý, nhân viên được tập huấn về nghiệp vụ du lịch.

Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê

+ Có đèn chiếu sáng, nước sạch;

+ Có khu vực sinh hoạt chung; có khu vực lưu trú cho khách;

+ Có bếp, phòng tắm, phòng vệ sinh;

+ Có giường, đệm hoặc chiếu;

+ Có chăn, gối, màn, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm hoặc chiếu;

+ Thay bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới và chủ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê được tập huấn về nghiệp vụ du lịch.

Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với bãi cắm trại du lịch

+ Có khu vực đón tiếp khách, khu vực dựng lều, trại, đỗ xe, phòng tắm, vệ sinh chung;

+ Có nước sạch;

+ Có dụng cụ, trang thiết bị dựng lều trại;

+ Có tủ thuốc cấp cứu ban đầu;

+ Có nhân viên bảo vệ trực khi có khách và phải có nhân viên trực 24 giờ mỗi ngày.

Các thủ tục cần thực hiện khi kinh doanh dịch vụ lưu trú


- Đăng ký kinh doanh lưu trú du lịch;

- Xin giấy phép an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy

- Xin giấy phép an ninh trật tự

- Nếu cơ sở có cung cấp dịch vụ ăn uống thì còn cần đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm

Ngoài ra, trước khi đi vào hoạt động chậm nhất 15 ngày, cơ sở lưu trú du lịch có trách nhiệm gửi thông báo bằng văn bản tới Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi có cơ sở lưu trú du lịch về những nội dung về: Tên, loại hình, quy mô cơ sở lưu trú du lịch; Địa chỉ cơ sở lưu trú du lịch, thông tin về người đại diện theo pháp luật và Cam kết đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch.

Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi có cơ sở lưu trú du lịch có trách nhiệm tổ chức kiểm tra điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc công tác kiểm tra, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải gửi thông báo bằng văn bản về kết quả kiểm tra đến cơ sở lưu trú du lịch.

Trường hợp không đáp ứng điều kiện tối thiểu tương ứng với loại hình cơ sở lưu trú du lịch thì Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu cơ sở lưu trú du lịch bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng điều kiện tối thiểu hoặc thay đổi loại hình cơ sở lưu trú du lịch phù hợp. Và cơ sở lưu trú du lịch có nghĩa vụ thông báo lại bằng văn bản về việc thay đổi đó.

Lựa chọn loại hình công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú


Bắt buộc khách hàng phải lựa chọn một trong các loại hình doanh nghiêp cho công ty theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014. Gồm các loại hình sau đây:  Doanh nghiệp tư nhân; Công ty TNHH một thành viên; Công ty TNHH 2 thành viên trở lên; Công ty cổ phần; Công ty hợp danh

Doanh nghiệp tư nhân

Doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chủ sở hữu duy nhất của các loại hình doanh nghiệp này là một cá nhân.Doanh nghiệp tư nhân không có điều lệ công ty.

- Ưu điểm: Doanh nghiệp tư nhân chỉ có một chủ sở hữu duy nhất nên các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đều do người chủ sở hữu này hoàn toàn quyết định; Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm vô hạn và doanh nghiệp ít chịu sự ràng buộc bởi pháp luật như so với các loại hình doanh nghiệp khác.

- Nhược điểm: Loại hình Doanh nghiệp tư nhân này không có tư cách pháp nhân; Khi gặp rủi ro thì các chủ doanh nghiệp tư nhân này phải tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của chủ doanh nghiệp và doanh nghiệp chứ không chỉ giới hạn số vốn mà chủ doanh nghiệp đã đầu tư vào.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được quyền phát hành cổ phần.

- Ưu điểm: Chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn cam kết góp nên hạn chế rủi ro; Có tư cách pháp nhân; Chủ sở hữu có toàn quyền quyết định các vấn đề liên quan của công ty; Được phát hành trái phiếu để huy động vốn

- Nhược điểm: Khả năng huy động vốn hạn chế do không được phát hành cổ phiếu

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên là doanh nghiệp, trong đó: Thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá năm mươi. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.  Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên không được quyền phát hành cổ phần.

- Ưu điểm: Số lượng thành viên không nhiều và thường là quen biết với nhau tạo ra sự tin cậy, do đó việc điều hành và quản lý công ty không phức tạp; Thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn cam kết góp; Có tư cách pháp nhân; Chế độ chuyển nhượng vốn được điều chỉnh chặt chẽ nên dễ kiểm soát được sự thay đổi thành viên của công ty; Được phát hành trái phiếu để huy động vốn.

- Nhược điểm: Khả năng huy động vốn hạn chế do không được phát hành cổ phiếu

Công ty cổ phần

Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó: vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần; cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp; cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết; cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là ba và không hạn chế số lượng tối đa. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Công ty cổ phần có quyền phát hành chứng khoán ra công chúng theo quy định của pháp luật chứng khoán. Công ty cổ phần phải có Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc (tổng giám đốc); đối với công ty cổ phần có trên mười một cổ đông phải có Ban kiểm soát.

- Ưu điểm: Không hạn chế số lượng thành viên tối đa; Thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn cam kết góp; Có tư cách pháp nhân; Được phát hành cổ phiếu và trái phiếu nên khả năng huy động vốn nhanh; Được tự do chuyển nhượng cổ phần cho người khác trừ khoản 3 điều 81 và khoản 5 điều 84 Luật doanh nghiệp tạo ra sự linh động, tính thanh khoản cao thu hút được sự hứng thú cho nhà đầu tư.

- Nhược điểm: Số lượng cổ đông lớn nên việc điều hành và quản lý công ty rất phức tạp; Các quyết định của công ty phải thông qua việc biểu quyết trong cuộc họp HĐQT của công ty

Công ty hợp danh

Công ty hợp danh là doanh nghiệp trong đó: phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn; Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

- Ưu điểm: Thành viên góp vốn chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn cam kết góp; Có tư cách pháp nhân; Phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn thành tài sản thuộc sở hữu của công ty, do đó tách bạch được tài sản của thành viên và tài sản của công ty; Các thành viên hợp danh đều có quyền nhân danh công ty; Công ty hoạt động dựa trên uy tín, năng lực và sự tin tưởng của các thành viên hợp danh

- Nhược điểm: Thành viên hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp, do đó rủi ro lớn; Khó kiểm soát được rủi ro trong điều kiện nhiều người cùng là đại diện theo pháp luật của công ty; Khó ra các quyết định đầu tư lớn do các thành viên cùng có quyền biểu quyết; Có cả thành viên hợp danh và thành viên góp vốn nên khó khăn trong cơ cấu quản lý, quản trị điều hành; Việc huy động vốn khó khăn do không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào

Chú ý: Khi khách hàng có những vấn đề chưa rõ, thắc mắc trong việc lựa chọn loại hình doanh nghiêp có thể liện hệ trực tiếp với chúng tôi để được tư vấn về loại hình doanh nghiệp phù hợp với mong muốn của khách hàng

Đặt tên cho công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú


Khi tiến hành thành lập công kinh doanh dịch vụ lưu trú thì khách hàng cần phải lựa chọn tên cho công ty. Pháp luât cho phép cá nhân, tổ chức được tự do lựa chọn tên cho công ty mình thành lập nhưng phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Tên công ty gồm hai thành tố: Loại hình doanh nghiệp và Tên riêng của doanh nghiệp

VD: Nếu thành lập công ty kinh kinh doanh dịch vụ lưu trú nên đặt tên công ty là Công ty + loại hình doanh nghiệp + XXX

+ Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp không được đặt tên doanh nghiệp trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc, trừ những doanh nghiệp đã giải thể hoặc đã có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản

+ Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài không được trùng với tên viết bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký. Tên viết tắt của doanh nghiệp không được trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký

Địa chỉ trụ sở chính khi thành lập công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú


Việc lựa chọn địa chỉ trụ sở chính rất quan trọng và bắt buộc khi tiến hành thành lập công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú. Căn cứ vào địa chỉ trụ sở chính của công ty để tiến hành nộp hồ sơ đúng thẩm quyền. Một số quy định của pháp luật về địa chỉ trụ sở chính như sau:

- Trụ sở chính của công ty là địa điểm liên lạc, giao dịch của doanh nghiệp; phải ở trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, tên phố (ngõ phố) hoặc tên xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

- Không đặt địa chỉ trụ sở công ty không đúng chức năng hoạt động sản xuất kinh doanh như Căn hộ chung cư có mục đích để ở; Nhà tập thể có diện tích sử dụng chung; Trên diện tích đất đang quy hoạch hay đất không đúng mục đích sử dụng như đất rừng, đất nông nghiệp...

- Doanh nghiệp cần đăng ký đúng trụ sở công ty tại nơi mình có hoạt động thực tế, tránh trường hợp khi cơ quan thuế xuống trụ sở kiểm tra lại không có hoạt động thì sẽ bị lập biên bản

Vốn điều lệ của công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú


- Đối với công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú thì pháp luật không yêu cầu mức vốn điều lệ tối thiểu của công ty, nên các thành viên của công ty có thể dựa vào năng lực tài chính của mình mà đăng ký vốn điều lệ cho phù hợp

- Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần

Người đại diện theo pháp luật của công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú


Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật

- Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân

- Thành viên hợp danh là người đại diện theo pháp luật của công ty hợp danh

- Công ty TNHH và công ty cổ phần: người đại diện có thể là Chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng quản trị hoặc có thể thuê cá nhân khác làm đại diện theo pháp luật

Chú ý: Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Nếu công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật

Ngành nghề của công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú


Công ty lựa chọn kinh doanh trong lĩnh vực nào thì phải đăng ký ngành nghề đó với cơ quan đăng ký kinh doanh. Căn cứ để lựa chọn ngành nghề kinh doanh là dựa vào Danh sách ngành nghề kinh doanh tại Việt Nam được quy định tại Phụ lục I của Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg, ban hành bởi Thủ tướng Chính phủ, về hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, đối với những ngành nghề không được liệt kê trong danh sách này, doanh nghiệp có thể tham khảo các văn bản pháp luật chuyên ngành để xác định ngành nghề cụ thể.

Mã ngành nghề cần đăng ký khi hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú:

5510 – Dịch vụ lưu trú ngắn ngày

5590 – Cơ sở lưu trú khác

Nếu như khách hàng có vướng mắc trong việc lựa chọn mã ngành và tên ngành nghề để đăng ký thì hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi đề chúng tôi để được tư vấn về việc lựa chọn ngành nghề để đăng ký với cơ quan nhà nước một cách chính xác nhất

Hồ sơ thành lập công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú


- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp

-  Điều lệ công ty

- Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau đây:

+ Một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của chủ sở hữu công ty đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân

+ Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, Điều lệ hoặc tài liệu tương đương khác của chủ sở hữu công ty đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức

+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài

- Danh sách thành viên (đối với công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên)

Quy trình thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú


- Thẩm quyền: Phòng đăng ký kinh doanh- Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh/thành phố nơi công ty dự định đặt trụ sở

- Thời gian nhận kết quả: Từ 03 - 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ

- Trình tự thực hiện:

+ Bước 1: Chuẩn bị bộ hồ sơ thành lập kinh doanh dịch vụ lưu trú

+ Bước 2: Nộp hồ sơ lên phòng đăng ký kinh doanh- Sở kế hoạch đầu tư tỉnh/thành phố nơi công ty dự định đặt trụ sở.

Trong thời gian 03 ngày làm việc (kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ) Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

+ Bước 3: Nhận kết quả thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú

+ Bước 4: Khắc con dấu tròn của doanh nghiệp

+ Bước 5: Thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh

Dịch vụ thực hiện thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú của Luật P&P


- Tư vấn cho khách hàng thông tin liên quan đến thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú

- Tiếp nhận thông tin từ khách hàng về thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú

- Soạn thảo hồ sơ về thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú

- Nộp hồ sơ để thực hiện thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú

- Thay mặt khách hàng thực hiện thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú

- Nhận và bàn giao kết quả cho khách hàng thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú

Liên hệ với Luật P&P


Hotline: 0989.869.523/0984.356.608

Email: Lienheluattuvan@gmail.com

Đối tác chiến lược