Menu Hotline: 0989.869.523/ 0984.356.608

Giấy phép lao động cho giáo viên nước ngoài

Khi mà nhu cầu học ngoại ngữ của người Việt Nam ngày càng cao thì các trung tâm ngoại ngữ tích cực tuyển chọn giáo viên nước ngoài về để dạy ngoại ngữ tại trung tâm của mình. Các giáo viên người nước ngoài khi muốn giảng dạy ở các trung tâm ngoại ngữ tại Việt Nam cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện về năng lực theo quy định và phải có Giấy phép lao động theo quy định. Trong bài viết này Luật P&P sẽ nêu cho bạn đọc hiểu được điều kiện, hồ sơ, trình tự thủ tục xin Giấy phép lao động cho giáo viên nước ngoài làm việc tại Việt Nam.


1. Các trường hợp cần xin giấy phép lao động cho giáo viên nước ngoài

Thông thường, giáo viên nước ngoài khi vào Việt Nam giảng dạy thuộc các trường hợp sau sẽ cần xin giấy phép lao động:

- Giáo viên nước ngoài vào Vào Việt Nam làm việc tại vị trí chuyên gia có thời gian làm việc trên 30 ngày;

- Không phải là tình nguyện viên theo hình thức tự nguyện và không hưởng lương để thực hiện điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và có xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam;

- Chưa kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam

Nếu thuộc các trường hợp nêu trên, giáo viên nước ngoài muốn làm việc hợp pháp tại Việt Nam cần phải xin giấy phép lao động.

2. Điều kiện cấp giấy phép lao động cho giáo viên nước ngoài

Giáo viên nước ngoài khi muốn vào giảng dạy tại các trung tâm ngoại ngữ ở Việt Nam cần đáp ứng điều kiện về lý lịch, năng lực trình độ chuyên môn, kỹ năng giảng dạy. Ngoài ra, trung tâm ngoại ngữ cũng cần phải đáp ứng được các điều kiện về giấy phép hoạt động theo quy định để được phép sử dụng giáo viên nước ngoài. Các điều kiện đó cụ thể như sau:

- Trung tâm ngoại ngữ đã được cấp giấy phép thành lập và giấy phép hoạt động;

- Trung tâm ngoại ngữ có nhu cầu sử dụng giáo viên nước ngoài và đã được Sở Lao động Thương binh và Xã hội chấp thuận nhu cầu sử dụng giáo viên nước ngoài;

- Giáo viên nước ngoài có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có lý lịch rõ ràng, không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Giáo viên đã tốt nghiệp đại học từ loại khá trở lên;

- Giáo viên có chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp với khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ của Việt Nam. Trường hợp giáo viên đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành ngoại ngữ tương ứng với ngôn ngữ sẽ giảng dạy (như chuyên ngành tiếng Anh, chuyên ngành tiếng Trung...) thì không cần chứng chỉ ngoại ngữ nêu trên;

- Giáo viên có chứng chỉ giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ giảng dạy;

- Một số điều kiện khác trong trường hợp cụ thể.

3. Hồ sơ xin cấp giấy phép lao động cho giáo viên nước ngoài

Khi giáo viên nước ngoài đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên thì trung tâm cần chuẩn bị đầy đủ 01 bộ hồ sơ nộp lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được cấp giấy phép lao động cho giáo viên nước ngoài. Hồ sơ bao gồm:

- Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động cho giáo viên nước ngoài theo Mẫu;

- Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe do cơ quan, tổ chức y tế có thẩm quyền của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp có giá trị trong thời hạn 12 tháng

- Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận giáo viên nước ngoài không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp;

- Bằng tốt nghiệp đại học từ loại khá trở lên;

- Chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp với khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ của Việt Nam;

- Chứng chỉ giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ giảng dạy;

- 02 ảnh màu (kích thước 4 cm x 6 cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.

- Chấp thuận nhu cầu sử dụng giáo viên nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền cấp;

- Hộ chiếu còn giá trị theo quy định của pháp luật;

- Các giấy tờ liên quan khác theo quy định.

Khi chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy phép lao động cho giáo viên nước ngoài cần lưu ý các vấn đề sau:

Thứ nhất, thời hạn của giấy phép lao động không quá 02 năm.

Thứ hai, các giấy tờ của cơ quan nước ngoài cấp muốn sử dụng hợp pháp tại Việt Nam cần thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự và dịch thuật công chứng các giấy tờ đó ra tiếng Việt.

Thứ ba, thời hạn giấy khám sức khỏe của người lao động nước ngoài không quá 12 tháng và phiếu lý lịch tư pháp không quá 06 tháng kể từ ngày cấp đến ngày nộp hồ sơ.

4. Quy trình xin giấy phép lao động cho giáo viên nước ngoài

Trước ít nhất 15 ngày, kể từ ngày giáo viên nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc tại Việt Nam, trung tâm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho giáo viên nước ngoài gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi giáo viên nước ngoài dự kiến làm việc.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho giáo viên nước ngoài, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi giáo viên nước ngoài dự kiến làm việc cấp giấy phép lao động cho giáo viên nước ngoài. Trường hợp không cấp giấy phép lao động thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

5. Một số trường hợp đặc biệt khi xin giấy phép lao động cho giáo viên nước ngoài

Đối với giáo viên nước ngoài lần đầu xin cấp giấy phép lao động khi làm việc tại Việt Nam, sẽ phải chuẩn bị hồ sơ và thực hiện theo quy trình nêu trên. Tuy nhiên có 02 trường hợp đặc biệt khi cấp giấy phép lao động giáo viên nước ngoài:

Trường hợp 1: Giáo viên nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động, đang còn hiệu lực mà có nhu cầu làm việc cho trung tâm ngoại ngữ khác ở cùng vị trí công việc và cùng chức danh công việc ghi trong giấy phép lao động.

Trường hợp 2: Giáo viên nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động và đang còn hiệu lực mà thay đổi vị trí công việc hoặc chức danh công việc hoặc hình thức làm việc ghi trong giấy phép lao động theo quy định của pháp luật nhưng không thay đổi trung tâm làm việc.

Đối với 02 trường hợp đặc biệt trên, hồ sơ cần chuẩn bị được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật về quản lý người lao động nước ngoài tại Việt Nam. Tại bài viết này chúng tôi chỉ nêu nên quy định chung của thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài, Quy định cụ thể của 02 trường hợp đặc biệt trên chúng tôi sẽ gửi tới bạn đọc tại bài viết khác.

Các vướng mắc khi gặp phải khi xin giấy phép lao động cho giáo viên nước ngoài

Câu 1: Giáo viên nước ngoài sau khi được cấp giấy phép lao động có cần ký hợp đồng lao động không?

Trả lời:

Đối với người lao động nước ngoài làm việc với hình thức thực hiện hợp đồng lao động, sau khi người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động thì trung tâm (công ty) và người lao động nước ngoài phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam trước ngày giáo viên nước ngoài dự kiến làm việc.

Đồng thời người sử dụng lao động phải gửi hợp đồng lao động đã ký kết nếu tới cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép lao động đó có yêu cầu. Hợp đồng lao động là bản gốc hoặc bản sao có chứng thực.

Câu 2: Nếu bằng cấp của giáo viên nước ngoài là văn bản do cơ quan nước ngoài cấp thì có cần thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự hay có thêm lưu ý gì không?

Trả lời: Đối với bằng cấp của giáo viên nước ngoài nếu là văn bản do cơ quan nước ngoài cấp, để được sử dụng hợp pháp tại Việt Nam cần thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự bằng cấp đó. Đồng thời khi xin giấy phép lao động cho giáo viên nước ngoài, cần tiến hành dịch thuật công chứng bằng cấp đó ra tiếng Việt sau đó mới nộp bản tiếng Việt lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Câu 3: Thời hạn của giấy phép lao động là do giáo viên nước ngoài và công ty tự thỏa thuận hay có quy định nào cụ thể không?

Trả lời: Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, thời hạn của giấy phép lao động sẽ không quá 02 năm và được cấp theo thời hạn của hợp đồng lao động dự kiến sẽ ký kết hoặc thời hạn trong văn bản chấp thuận sử dụng giáo viên nước ngoài....

Như vậy, thời hạn của giấy phép lao động có thể sẽ được do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc các thỏa thuận khác giữa các bên nhưng không được quá 02 năm.

Câu 4: Cơ quan nào cấp giấy phép lao động cho giáo viên nước ngoài tại Việt Nam?

Trả lời: Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi giáo viên nước ngoài dự kiến làm việc có thẩm quyền cấp giấy phép lao động cho giáo viên nước ngoài.

Câu 5: Giáo viên nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam có cần xin giấy phép lao động không?

Trả lời: Hiện nay, giáo viên nước ngoài khi kết hôn với người Việt Nam và hiện đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam thì không cần xin giấy phép lao động. Tuy nhiên cũng phải chứng minh giáo viên nước ngoài đó thuộc trường hợp không phải xin cấp giấy phép lao động và nộp lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Câu 6: Đối với trường hợp giáo viên nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động, đang còn hiệu lực mà chuyển sang làm việc cho trung tâm khác có cần xin lại giấy phép lao động không?

Trả lời: Trường hợp giáo viên nước ngoài đang làm việc cho một trung tâm ngoại ngữ mà muốn chuyển sang làm việc cho trung tâm ngoại ngữ khác thì cần phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép lao động khác trong đó ghi nhận thông tin trung tâm và địa chỉ làm việc mới của giáo viên nước ngoài.

Câu 7: Đối với trường hợp giáo viên nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động, đang còn hiệu lực mà thay đổi vị trí công việc hoặc chức danh công việc hoặc hình thức làm việc như đã đăng ký trước đó nhưng vẫn tiếp tục làm việc cho trung tâm thì có cần xin lại giấy phép lao động không?

Trả lời: Mặc dù trường hợp này giáo viên nước ngoài vẫn đang làm việc cho trung tâm nhưng có sự thay đổi về vị trí công việc hoặc chức danh công việc hoặc hình thức làm việc thì vẫn cần phải xin cấp giấy phép lao động mới. Trong giấy phép lao động mới sẽ ghi nhận lại vị trí công việc hoặc chức danh công việc hoặc hình thức làm việc mới của giáo viên nước ngoài tại trung tâm.

Dịch vụ thực hiện thủ tục xin giấy phép lao động cho giáo viên nước ngoài

- Tư vấn các thủ tục liên quan đến thủ tục xin giấy phép lao động cho giáo viên nước ngoài;

- Tiếp nhận thông tin để thực hiện thủ tục xin giấy phép lao động cho giáo viên nước ngoài;

- Nhận tài liệu từ quý khách để thực hiện thủ tục xin giấy phép lao động cho giáo viên nước ngoài;

- Soạn thảo hồ sơ đầy đủ, hoàn chỉnh để thủ tục xin giấy phép lao động cho giáo viên nước ngoài;

- Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền cho thủ tục xin giấy phép lao động cho giáo viên nước ngoài;

- Nhận kết quả và bàn giao bản gốc cho quý khách hàng sau khi thực hiện thủ tục xin giấy phép lao động cho giáo viên nước ngoài.

Liên hệ với Luật P&P

Hotline: 0989.869.523/0984.356.608

Email: Lienheluattuvan@gmail.com

 

Đối tác chiến lược