Menu Hotline: 0989.869.523/ 0984.356.608

Chứng nhận HACCP cho cơ sở sản xuất thực phẩm

Có rất nhiều thắc mắc của khách hàng gửi tới Luật P&P về thủ tục xin giấy chứng nhận HACCP cho cơ sở sản xuất thực phẩm. Pháp luật quy như thế nào về thủ tục xin giấy chứng nhận HACCP cho cơ sở sản xuất thực phẩm? Để được giải đáp thắc mắc trên khách hàng hãy tham khảo bài viết sau của Luật P&P

Chứng nhận HACCP cho cơ sở sản xuất thực phẩm là gì?


HACCP (viết tắt của Hazard Analysis and Critical Control Points) được dịch ra tiếng Việt là Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn),

HACCP là Hệ thống xác định, đánh giá và kiểm soát các mối nguy đáng kể đối với an toàn thực phẩm. Đó là công cụ phân tích nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh và chất lượng thực phẩm. HACCP bao gồm những đánh giá có hệ thống đối với tất cả các bước có liên quan trong quy trình chế biến thực phẩm, đồng thời xác định những bước trọng yếu đối với an toàn thực phẩm. Công cụ này cho phép tập trung nguồn lực kỹ thuật, chuyên môn vào những bước chế biến có ảnh hưởng quyết định đến an toàn chất lượng thực phẩm.

Đối tượng xin Chứng nhận HACCP?


HACCP được áp dụng trong suốt cả chuỗi thực phẩm, do đó HACCP có thể áp dụng với tất cả từ các ngành sản xuất thực phẩm và đồ uống, hay trong phân phối và bán sản phẩm cho đến các sản phẩm đang tiêu thụ trên thị trường cũng như các sản phẩm mới.

Các đối tượng áp dụng chứng nhận HACCP có thể kể đến như:

– Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thủy sản, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi.

– Các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, khu chế xuất, thức ăn công nghiệp.

– Cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn và các tổ chức khác hoạt động liên quan đến thực phẩm.

Giấy chứng nhận HACCP cho cơ sở sản xuất thực phẩm có thay thế giấy ATVSTP không?


- Giấy chứng nhận HACCP có thay thế được giấy an toàn vệ sinh thực phẩm được không và giá trị của giấy chứng nhận HACCP cho cơ sở sản xuất sản xuất thực phẩm so với giấy an toàn vệ sinh thực phẩm thì giấy nào có giá trị cao hơn hơn? Luật P&P xin đưa ra nhận định như sau: Bản thân Mỗi cơ sở khi sản xuất thực phẩm đều phải tuân thủ quy định về lĩnh vực an toàn thực phẩm nên cả giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và giấy chứng nhận HACCP đều nhằm hướng tới mục tiêu để làm sao đảm bảo được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của mỗi cơ sở khi thực hiện sản xuất. Nếu về mặt lý luận thì Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP) cho cơ sở sản xuất thực phẩm là tiêu chuẩn do tổ chức quốc tế đưa ra thì có tính phổ biến trên toàn cầu hơn và được ghi nhận  rộng rãi  trên toàn cầu đặc biệt quan trọng khi làm việc với các đối tác quốc tế và đặc biệt là chứng nhận HACCP cho cơ sở sản xuất thực phẩm nó đem lại sự tiện lợi ở chỗ đối tác đặc biệt là đối tác nước ngoài  khi nhìn vào đó là đã biết được  cơ sở này đã được ghi nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thể hiện ở giấy chứng nhận HACCP và đôi khi nếu không có HACCP đó thì các đối tác cũng không nắm được chi tiết Luật An toàn thực phẩm Việt Nam quy định như nào về lĩnh vực này.

- Song chứng nhận HACCP cũng không phải là không có những hạn chế nếu việc đánh giá chứng nhận không thực hiện được theo quy định. Nên việc có giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm cho cơ sở sản xuất thực phẩm lại có ý nghĩa quan trọng khi cơ sở được đánh giá theo góc độ quản lý của cơ quan nhà nước. Thực chất việc cơ quan nhà nước đánh giá kiểm tra và cấp giấy chứng nhận có giá trị cao về mặt quản lý nhà nước và doanh nghiệp cũng yên tâm hơn. Giấy chứng nhận HACCP cho cơ sở sản xuất thực phẩm sẽ do các tổ chức chứng nhận đánh giá thực hiện tuy nhiên việc cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm lại do cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận nên căn bản nếu doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn thì cũng không quá lo ngại về việc có được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm hay không vì cơ quan nhà nước cũng dựa theo các tiêu chuẩn chung để cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm

--> Sẽ không thể khẳng định được là giấy an toàn vệ sinh thự phẩm có giá trị cao hơn hay chứng nhận HACCP có giá trị cao hơn nhưng chắc chắn sẽ hỗ trợ và bổ sung cho nhau tốt hơn. 

- Theo quy định tại nghị định 15/2018/ND- CP có quy định các cơ sở không phải thực hiện xin giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm thì trong đó có trường hợp: " Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực" .

--> Khi đã có giấy chứng nhận HACCP cho cơ sở sản xuất thực phẩm thì sẽ không nhất thiết xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đây có lẽ là lợi ích để tiết kiệm thời gian và chi phí của các cơ sở sản xuất thực phẩm. Thực tế thì quý vị khi thực hiện thủ tục sản xuất thực phẩm thì nên làm cả hai thủ tục thì sẽ rất đảm bảo cho doanh nghiệp. Nhưng không đồng nghĩa với việc có giấy chứng nhận HACCP cho cơ sở sản xuất thực phẩm rồi là không bị cơ quan nhà nước kiểm tra cơ sở. Ngay cả khi có giấy chứng nhận HACCP cho cơ sở sản xuất thực phẩm thì cơ quan nhà nước vẫn kiểm tra bình thường và vẫn phải tuân thủ quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm về mặt quản lý nhà nước.

Lợi ích Giấy chứng nhận HACCP cho cơ sở sản xuất thực phẩm là gì?


– Đối với doanh nghiệp: các doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn HACCP có thể quản lý sản xuất tốt hơn, nâng cao chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đó nâng cao uy tín doanh nghiệp trên thị trường, tăng tính cạnh tranh, có thể xuất khẩu sản phẩm qua những nước lớn.

– Đối với nhà nước: cải thiện sức khỏe cộng đồng, nâng cao hiệu quả và kiểm soát thực phẩm, giảm chi phí cho sức khỏe cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển thương mại, tạo lòng tin của người dân vào việc cung cấp thực phẩm.

– Đối với người tiêu dùng: sử dụng sản phẩm an toàn, giảm nguy cơ mắc bệnh từ thực phẩm không sạch, cải thiện sức khỏe, an tâm mua sắm.

Nguyên tắc xin Giấy chứng nhận HACCP cho cơ sở sản xuất thực phẩm


- Nguyên tắc 1: Tiến hành phân tích mối nguy.

- Nguyên tắc 2: Xác định các điểm kiểm soát tới hạn (CCP).

- Nguyên tắc 3: Thiết lập các giới hạn tới hạn.

- Nguyên tắc 4: Thiết lập hệ thống kiểm soát giám sát các điểm CCP.

- Nguyên tắc 5: Thiết lập hành động khắc phục cần tiến hành khi khâu giám sát chỉ ra rằng một CCP nào đó không được kiểm soát.

- Nguyên tắc 6: Thiết lập các thủ tục xác nhận để khẳng định là hệ thống HACCP hoạt động hữu hiệu.

- Nguyên tắc 7: Lập tài liệu về tất cả các thủ tục và hồ sơ đối với các nguyên tắc này và việc ứng dụng chúng

Hồ sơ xin Giấy chứng nhận HACCP cho cơ sở sản xuất thực phẩm


Tài liệu đánh giá sơ bộ

Tài liệu đánh giá sơ bộ được sử dụng để kiểm tra chứng nhận. Quá trình cấp chứng nhận HACCP được tiến hành dựa trên thỏa thuận giữa cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu với tổ chức chứng nhận HACCP phù hợp quy định pháp luật. Bên thứ 3 sẽ đánh giá sơ bộ tài liệu của doanh nghiệp để xác định liệu có thể cấp chứng nhận không trước khi ký kết hợp đồng chính thức. Thành phần hồ sơ HACCP trong trường hợp này bao gồm:

- Đơn đăng ký chứng nhận HACCP theo mẫu của tổ chức chứng nhận HACCP;

- Kế hoạch HACCP của doanh nghiệp;

- Các tài liệu và hồ sơ liên quan đến việc áp dụng Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn thực tế.

Tài liệu đánh giá chứng nhận HACCP chính thức

Sau khi thông qua vòng đánh giá sơ bộ thì doanh nghiệp có nhu cầu chứng nhận sẽ ký kết hợp đồng với tổ chức cấp chứng nhận HACCP theo quy định. Lúc này doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ chính thức bao gồm các tài liệu liên quan đến HACCP cho đơn vị cấp chứng nhận. Hồ sơ HACCP cần chuẩn bị là các tài liệu đã được hiệu chỉnh sau khi đánh giá sơ bộ bao gồm:

- Kế hoạch HACCP và các tài liệu liên quan đến hệ thống HACCP;

- Thủ tục và chỉ dẫn về công việc;

- Mô tả sản phẩm chi tiết (bước 2 của quy trình áp dụng hệ thống HACCP);

- Các tài liệu liên quan đến quá trình giám sát, kiểm tra, thử nghiệm, sửa chữa…;

- Bảng hỏi kiểm định về hệ thống HACCP.

Trình tự xin Giấy chứng nhận HACCP cho cơ sở sản xuất thực phẩm


Bước 1: Trao đổi thông tin và giải đáp thắc mắc

Các doanh nghiệp có nhu cầu chứng nhận HACCP hiển nhiên sẽ chưa sử dụng dịch vụ ngay mà còn phải tìm hiểu thông tin liên quan. Trong trường hợp này tổ chức chứng nhận HACCP sẽ tiến hành trao đổi thông tin với doanh nghiệp và giải đáp những thắc mắc liên quan. Thông tin trao đổi chủ yếu bao gồm:

- Yêu cầu liên quan đến quá trình chứng nhận HACCP;

- Quy trình cụ thể để thực hiện các thủ tục liên quan đến chứng nhận HACCP;

- Tiêu chuẩn liên quan đến ứng dụng thực tế;

- Chi phí chứng nhận HACCP;

- Chương trình kế hoạch làm việc giữa hai bên.

Bước 2: Đánh giá sơ bộ hồ sơ

Doanh nghiệp sẽ tiến hành chuẩn bị hồ sơ đánh giá sơ bộ bao gồm các tài liệu, giấy tờ đã liệt kê cụ thể bên trên. Hồ sơ này sẽ được nộp cho tổ chức chứng nhận để tiến hành đánh giá sơ bộ. Cơ quan chứng nhận sẽ gửi chuyên gia trong lĩnh vực chứng nhận tiêu chuẩn để phân tích đánh giá tình hình về hồ sơ do doanh nghiệp nộp tại thực địa.

Quá trình kiểm tra và đánh giá sẽ được tiến hành nhằm chỉ ra các vấn đề mà tài liệu đang có trong thực tế áp dụng hệ thống HACCP. Doanh nghiệp sẽ sửa chữa kịp thời để chấn chỉnh hồ sơ HACCP. Bước này sẽ giúp doanh nghiệp hoàn thiện quy trình đánh giá chính thức hơn khi chứng nhận HACCP nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia.

Bước 3: Ký kết hợp đồng

Doanh nghiệp có nhu cầu chứng nhận HACCP sẽ chính thức ký kết hợp đồng với cơ quan in chứng nhận đủ điều kiện sau khi đã thương thảo các yêu cầu và vấn đề liên quan.

Bước 4: Nộp hồ sơ chính thức đánh giá HACCP

Doanh nghiệp tiến hành nộp hồ sơ chính thức với các tài liệu liên quan cho cơ quan chứng nhận đủ điều kiện. Thành phần hồ sơ đã được chi tiết ở phần trên.

Bước 5: Đánh giá tài liệu chính thức

Hồ sơ được nộp sẽ do các chuyên gia tiến hành đánh giá dựa trên tính phù hợp của Hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn cùng với các tiêu chuẩn, luật lệ theo đúng quy định. Trong đó bao gồm:

- Xem xét tính phù hợp về các tiêu chuẩn vệ sinh;

- Đánh giá, thẩm tra và xác nhận các điểm kiểm soát tới hạn;

- Kiểm tra các tài liệu và hồ sơ có liên quan.

- Sau khi đánh giá chính thức chuyên gia đánh giá sẽ phải tiến hành làm báo cáo và gửi lại cho doanh nghiệp một bản. Doanh nghiệp sẽ tiến hành rà soát lại và sửa chữa.

Bước 6: Lập kế hoạch kiểm tra

Chuyên gia đánh giá sẽ nêu các câu hỏi và vấn đề cần sửa chữa đến doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ trả lời muộn nhất trong quá trình kiểm tra thực địa. Toàn bộ kế hoạch kiểm tra và thẩm tra tại thực địa sẽ được thống nhất giữa doanh nghiệp và đoàn thẩm tra đánh giá.

Bước 7: Thẩm tra tại thực địa

Chuyên gia đánh giá sẽ kiểm tra lại thực địa xem doanh nghiệp đã sửa chữa các sai lệch hay chưa. Đồng thời chuyên gia sẽ xem xét sự phù hợp của hồ sơ với thực tế.

Bước 8: Cấp chứng nhận HACCP

Khi các điều kiện của doanh nghiệp đều đảm bảo thì cơ sở sẽ được cấp chứng nhận HACCP. Doanh nghiệp sẽ tiến hành nộp hồ sơ để xem xét việc cấp chứng nhận. Chứng nhận có thời hạn 3 năm và phải giám sát duy trì trong suốt thời gian đó. Hồ sơ HACCP trong trường hợp này bao gồm:

- Công văn đề nghị đăng ký chứng nhận HACCP;

- Hợp đồng chứng nhận HACCP;

- Báo cáo tiền kiểm định;

- Báo cáo công tác kiểm tra tài liệu HACCP;

- Báo cáo về những sai lệch;

- Kế hoạch kiểm định;

- Báo cáo kiểm định;

- Bảng hỏi kiểm định HACCP đã tiến hành thẩm định tại thực địa;

- Bảng liệt kê tài liệu tại chỗ;

- Báo cáo kiểm định cuối cùng.

Bước 9: Giám sát duy trì chứng nhận

Trong thời hạn 3 năm của giấy chứng nhận HACCP thì cơ quan chứng nhận phải tổ chức đánh giá định kỳ trong thời gian trung bình là 6 tháng/ lần. Mục đích nhằm đảm bảo các quy phạm vệ sinh và tiêu chí liên quan thuộc hệ thống HACCP đều được duy trì đúng theo quy định.

Trong thời gian giám sát nếu xuất hiện vấn đề mà không khắc phục sửa chữa thì doanh nghiệp sẽ bị thu hồi chứng nhận. Sau khi hết thời gian ba năm hiệu lực của giấy chứng nhận, doanh nghiệp phải tiến hành đăng ký và làm thủ tục chứng nhận lại. Thời điểm tiến hành là trước khi khi giấy chứng nhận hết hiệu lực 3 tháng. Thủ tục được tiến hành tương tự nhưng đơn giản hơn.

Chứng nhận HACCP cho cơ sở sản xuất thực phẩm cần lưu ý gì về nhà xưởng?


- Tùy theo bản chất công nghệ sản xuất và các mối nguy kèm theo chúng, nhà xưởng, thiết bị và các phương tiện phải được đặt, thiết kế và xây dựng để đảm bảo rằng:

+ Sự nhiễm bẩn được giảm đến mức tối thiểu;

+ Sự thiết kế và bố trí mặt bằng cho phép dễ dàng bảo dưỡng, làm sạch và tẩy trùng và hạn chế ở mức tối thiểu ô nhiễm do không khí;

+ Bề mặt vật liệu, đặc biệt khi tiếp xúc với thực phẩm, chúng phải không độc đối với mục đích sử dụng, phải có độ bền phù hợp, dễ bảo dưỡng và làm sạch, khi cần;

+ Phải có sẵn các phương tiện cần thiết để kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm không khí và các kiểm soát khác, nơi thích hợp; và

+ Phải có biện pháp bảo vệ có hiệu quả chống dịch xâm phạm và khu trú.

- Vị trí Cần xem xét các nguồn nhiễm bẩn tiềm ẩn ảnh hưởng tới thực phẩm khi quyết định chọn vị trí để xây dựng cơ sở sản xuất, cũng như chọn các biện pháp hợp lý có hiệu quả để bảo vệ thực phẩm. Cơ sở không được đặt ở nơi, mà sau khi xem xét những biện pháp bảo vệ vẫn thấy còn mối đe dọa cho sự an toàn và tính phù hợp của thực phẩm. Đặc biệt, vị trí cơ sở thường phải ở xa:

+ Khu vực có môi trường ô nhiễm và các hoạt động công nghiệp khác có nhiều khả năng gây ô nhiễm thực phẩm;

+ Khu vực dễ bị ngập lụt trừ khi có biện pháp bảo vệ cơ sở bị ngập lụt một cách hữu hiệu;

+ Khu vực dễ bị sinh vật gây hại phá hoại;

+ Khu vực có các chất thải, rắn hay lỏng, mà không thể loại bỏ chúng một cách hiệu quả.

- Thiết bị: Thiết bị phải được bố trí để có thể

+ Cho phép bảo dưỡng và làm sạch dễ dàng;

+ Vận hành đúng với mục đích sử dụng; và

+ Thuận lợi cho việc thực hành vệ sinh tốt, kể cả giám sát.

- Việc thiết kế bên trong và bố trí mặt bằng của cơ sở chế biến thực phẩm cần cho phép việc thực hành vệ sinh thực phẩm tốt, bao gồm cả việc bảo vệ chống lây nhiễm chéo giữa và trong các hoạt động chế biến và xử lý thực phẩm, khi thích hợp.

- Cấu trúc bên trong cơ sở thực phẩm phải được xây dựng cẩn thận bằng vật liệu bền chắc và dễ thực hiện bảo dưỡng, làm sạch, khi cần có thể tẩy trùng được. Đặc biệt, khi thích hợp, các điều kiện cụ thể sau đây phải được thỏa mãn, để bảo vệ sự an toàn và phù hợp của thực phẩm:

+ Bề mặt tường, vách ngăn và sàn nhà phải được làm bằng vật liệu không thấm, không độc hại đúng như ý đồ thiết kế;

+ Tường và vách ngăn phải có bề mặt nhẵn, thích hợp cho thao tác;

+ Sàn nhà phải được xây dựng sao cho dễ thoát nước và dễ làm vệ sinh;

+ Trần và các vật cố định phía trên trần phải được thiết kế, xây dựng để làm sao có thể giảm tối đa sự tích tụ bụi, ngưng tụ hơi nước và khả năng rơi của chúng;

+ Cửa sổ phải dễ làm sạch, được thiết kế sao cho nó có thể hạn chế bám bụi tới mức thấp nhất, ở những nơi cần thiết, phải lắp các hệ thống chống côn trùng, có khả năng tháo lắp và làm sạch được, ở nơi cần thiết, cần phải cố định các cửa sổ.

+ Cửa ra vào phải có bề mặt nhẵn, không thấm nước, dễ làm sạch và khi cần, phải dễ tẩy rửa.

+ Bề mặt tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm phải tốt, bền vững, dễ làm sạch, dễ bảo dưỡng và tẩy trùng. Chúng phải được làm bằng vật liệu nhẵn, không thấm nước, trơ đối với thực phẩm, trơ đối với các chất tẩy rửa, chất tẩy trùng trong những điều kiện hoạt động bình thường.

Câu hỏi khách hàng thường gặp phải khi xin Chứng nhận HACCP cho cơ sở sản xuất thực phẩm


Khách hàng hỏi: Khi chúng tôi có Chứng nhận HACCP cho cơ sở sản xuất thực phẩm thì công ty tôi có cần phải xin giấy phép giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm nữa không?

Luật P&P trả lời: Theo quy định tại Điểm K Khoản 1 Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP Các cơ sở sau đây không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm “Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực”

Theo quy định trên thì cơ sở đã có Chứng nhận HACCP cho cơ sở sản xuất thực phẩm thì công ty bạn không cần phải xin giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm nữa

Khách hàng hỏi: Giấy chứng nhận HACCP là giấy chứng nhận cho cơ sở hay chứng nhận chất lượng sản phẩm?

Luật P&P trả lời: Giấy chứng nhận HACCP là giấy chứng nhận quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm bao gồm cơ sở vật chất, quy trình sản xuất sản phẩm chứ không phải giấy chứng nhận chất lượng của sản phẩm. Muốn kiểm tra chất lượng của sản phẩm thực phẩm mà cơ sở sản xuất thì cần phải thực hiện kiểm nghiệm sản phẩm tại các trung tâm kiểm nghiệm.

Liên hệ với chúng tôi


Hotline: 0989.869.523

Email: lienheluattuvan@gmail.com

Đối tác chiến lược