Doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Chủ sở hữu duy nhất của các loại hình doanh nghiệp này là một cá nhân.
Chủ doanh nghiệp tư nhân là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đồng thời có toàn quyền quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Căn cứ pháp luật
- Luật doanh nghiệp 2014
- Nghị định 78/2015/NĐ-CP hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp
- Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư ban hành.
Doanh nghiệp tư nhân là gì?
- Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
- Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh.
- Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân
- Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ số vốn bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và các tài sản khác; đối với vốn bằng tài sản khác còn phải ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị còn lại của mỗi loại tài sản.
- Toàn bộ vốn và tài sản kể cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
- Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán. Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được giảm vốn sau khi đã đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh.
Quyền và nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp tư nhân
- Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh. Trường hợp thuê người khác làm Giám đốc quản lý doanh nghiệp thì vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
- Chủ doanh nghiệp có thể cho thuê hoặc bán doanh nghiệp tư nhân của mình
Những lưu ý thành lập doanh nghiệp tư nhân
- Tên gọi: Tên doanh nghiệp phải được cấu thành bởi các thành tố: Loại hình doanh nghiệp + tên riêng. Tên doanh nghiệp không bị trùng, không gây nhầm lẫn với các doanh nghiệp đã đăng ký trước.
+ Tên trùng được hiểu là: " Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký"
+ Tên gây nhầm lẫn được hiểu như sau:
" Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký;
Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;
Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;
Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và các chữ cái F, J, Z, W ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;
Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi ký hiệu “&”, “.”, “+”, “-”, “_”;
Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc “mới” ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;
Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông” hoặc từ có ý nghĩa tương tự "
Chi tiết cách đặt tên cho doanh nghiệp
- Trụ sở: Hợp pháp, có địa chỉ rõ ràng. Lưu ý:
+ Không đặt địa chỉ trụ sở doanh nghiệp không đúng chức năng hoạt động sản xuất kinh doanh như Căn hộ chung cư có mục đích để ở; Nhà tập thể có diện tích sử dụng chung; Trên diện tích đất đang quy hoạch hay đất không đúng mục đích sử dụng như đất rừng, đất nông nghiệp...
+ Các doanh nghiệp có dự định những ngành nghề kinh doanh đăch thù thuộc các ngành nghề có điều kiện ví dụ: sản xuất hoặc kinh doanh hóa chất, Mỹ phẩm, Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật....cần phải tham khảo kỹ xem quy hoạch và chính sách của chính quyền địa phương về việc có được phép hoạt động công ty về lĩnh vực đó trên địa bàn không.
+ Khi thành lập doanh nghiệp tư nhân cũng cần chuẩn bị các giấy tờ pháp lý đầy đủ: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (Nếu là chủ sở hữu và người có quyền sử dụng đất) hoặc hợp đồng thuê nhà, mượn nhà; hợp đồng thuê với chủ đầu tư nếu thuê các khu văn phòng trong các tòa nhà có chức năng cho thuê văn phòng.
- Ngành nghề kinh doanh: Đảm bảo có trong hệ thống ngành nghề kinh tế quốc dân hoặc pháp luật chuyên ngành.
Tuỳ từng lĩnh vực hoạt động mà doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện trước khi đăng ký và/hoặc sau khi đăng ký kinh doanh.
Ví dụ như: kinh doanh ngành nghề yêu cầu vốn pháp định thì doanh nghiệp phải chứng minh số vốn pháp định trước khi đăng ký kinh doanh…Không được đăng ký các ngành bị cấm, nhà nước không cho phép.
- Vốn:
+ Về số vốn: Nếu các ngành nghề kinh doanh bình thường thì dooanh nghiệp tự chủ trong việc đăng ký vốn điều lệ hoạt động nhưng có những ngành nghề kinh doanh có điều kiện yêu cầu vốn pháp định thì khi đăng ký thành lập công ty cần đảm bảo vốn pháp định đối với các ngành nghề yêu cầu vốn pháp định.
+ Về thời hạn góp vốn: Đối với các ngành nghề kinh doanh bình thường không có điều kiện thì thời hạn góp vốn là 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định , chủ sở hữu công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực góp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ
- Chủ doanh nghiệp: Không vi phạm điều 13 Luật doanh nghiệp.
- Do một tổ chức hoặc một cá nhân duy nhất làm chủ sở hữu;
Sự khác nhau giữa Doanh nghiệp tư nhân với Công ty TNHH 1 thành viên
Tiêu chí | Doanh nghiệp tư nhân | Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên |
Chủ sở hữu | Là cá nhân. Cá nhân này đồng thời không được là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh. | Cá nhân, tổ chức |
Trách nhiệm tài sản của chủ sở hữu | Chủ DNTN chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. (Trách nhiệm vô hạn) | Chủ sở hữu chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. (Trách nhiệm hữu hạn) |
Góp vốn |
- Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. - Tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp. |
- Vốn điều lệ của công ty là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu góp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. - Chủ sở hữu công ty phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty |
Thay đổi vốn điều lệ |
- Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. - Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được giảm vốn sau khi đã đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh. |
Công ty giảm vốn điều lệ trong các trường hợp sau đây: – Hoàn trả một phần vốn góp trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 02 năm, kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho chủ sở hữu. – Vốn điều lệ không được chủ sở hữu thanh toán đầy đủ và đúng hạn. * Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tăng vốn điều lệ: Bằng việc chủ sở hữu công ty đầu tư thêm hoặc huy động thêm vốn góp của người khác. Trường hợp tăng vốn điều lệ bằng việc huy động thêm phần vốn góp của người khác thì phải chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. |
Quyền phát hành trái phiếu | Không được phát hành bất kỳ một loại chứng khoán nào. | Có thể phát hành trái phiếu. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên bị hạn chế quyền phát hành cổ phần |
Tư cách pháp nhân | Không có tư cách pháp nhân | Có tư cách pháp nhân |
Cơ cấu tổ chức |
Chủ sở hữu quản lý hoặc thuê người quản lý |
Có thể lựa chọn 01 trong 02 mô hình sau: – Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên; – Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên. |
Hạn chế quyền góp vốn, mua cổ phần vốn góp của doanh nghiệp | Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần | Không bị hạn chế |
Trình tự thủ tục
Bước 1: Cá nhân chuẩn bị hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân gồm có:
+ Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
+ Bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của chủ doanh nghiệp tư nhân quy định tại Điều 10 Nghị định 78/2015/NĐ-CP
Bước 2: Cá nhân nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp qua mạng tại địa chỉ website https://dangkyquamang.dkkd.gov.vn/
Bước 3: Phòng Đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp trong thời hạn 03 (ba) ngày.
Bước 4: Sau khi được chấp thuận hồ sơ hợp lệ qua mạng thì cá nhân nộp hồ sơ bản giấy tại trụ sở kế hoạch và đầu tư nơi đăng ký thành lập doanh nghiệp để nhận kết quả.
Hình thức nộp hồ sơ
- Nộp trực tiếp tới phòng đăng ký kinh doanh nơi Công ty dự định đặt trụ sở chính
- Gửi hồ sơ qua đường bưu điện tới phòng đăng ký kinh doanh
- Nộp hồ sơ trực tiếp qua mạng dangkykinhdoanh.gov.vn/
- Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư nơi Công ty đặt trụ sở chính
Thời gian thực hiện
- 03 - 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Công việc của chúng tôi
- Tư vấn các vấn đề liên quan đến việc thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân
- Tư vấn và hướng dẫn khách hàng chuẩn bị hồ sơ
- Soạn thảo hồ sơ đầy đủ
- Nộp hồ sơ tại cơ quan nhà nước
- Thay mặt khách hàng trao đổi với chuyên viên phụ trách hồ sơ trong trường hợp hồ sơ cần chỉnh sửa, bổ sung
- Thay mặt khách hàng trao đổi với chuyên viên phụ trách hồ sơ
- Nhận kết quả và bàn giao kết quả cho khách hàng
Liên hệ với chúng tôi:
Hotline: 098.9869.523
Email: Lienheluattuvan@gmail.com