Tổng cục Thống kê cho biết đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 3 tháng đầu năm 2022 có 24 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 180,2 triệu USD, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước; có 3 lượt dự án điều chỉnh vốn tăng 31,2 triệu USD, giảm 92,8%. Có 12 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Lào là nước dẫn đầu với 64,3 triệu USD, chiếm 30,4% tổng vốn đăng ký; Hoa Kỳ 34,5 triệu USD, chiếm 16,3%; Canada 34 triệu USD, chiếm 16,1%; Singapore 29,9 triệu USD, chiếm 14,1%; Indonesia 22,7 triệu USD, chiếm 10,8%. Vậy một nhà đầu tư sang Lào cần những điều kiện và giấy tờ gì ?
Làm thế nào để thực hiện một dự án đầu tư tại Lào?
Để thực hiện một dự án đầu tư tại Lào, nhà đầu tư cần phải thực hiện rất nhiều công việc khác nhau nhưng quan trọng nhất là nhà đầu tư phải thực hiện hai bước là:
Một là, Thực hiện thủ tục xin giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam;
Hai là, Thực hiện quy định pháp luật về đầu tư theo quy định của pháp luật nước Lào;
Ngoài hai công việc chính trên, nhà đầu tư cũng cần phải thực hiện những công việc khác để đảm bảo việc đầu tư có hiệu quả. Trong bài viết này, Luật P&P chia sẻ sâu về thủ tục xin giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam còn thực hiện thủ tục theo quy định của nước Lào thì các nhà đầu tư nên nhờ bên Luật sư bên Lào tư vấn và hỗ trợ thì sẽ đảm bảo hơn vì pháp luật mỗi nước mỗi khác nên luật sư bên Lào sẽ là những người nắm rõ quy định vầ pháp luật của nước Lào.
Doanh nghiệp hay cá nhân được phép đầu tư sang Lào ?
- Doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã.
- Tổ chức tín dụng thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
- Hộ kinh doanh đăng ký theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Cá nhân mang quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Doanh nghiệp.
- Các tổ chức khác thực hiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
--> Theo quy định trên thì cá nhân hay doanh nghiệp đều được phép thực hiện đầu tư sang Lào.
Điều kiện để thực hiện xin giấy chứng nhận đầu tư sang Lào?
- Không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài và đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài đối với ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện;
- Nhà đầu tư có cam kết tự thu xếp ngoại tệ hoặc có cam kết thu xếp ngoại tệ để thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài cửa tổ chức tín dụng được phép;
- Có quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định;
- Có văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư. Thời điểm xác nhận của cơ quan thuế là không quá 03 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ dự án đầu tư.
Các hình thức đầu tư khi đầu tư sang Lào?
- Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;
- Đầu tư theo hình thức hợp đồng ở nước ngoài;
- Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó;
- Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài;
- Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
Quy trình và hồ sơ thực hiện thủ tục xin giấy chứng nhận đầu tư sang Lào ?
Bước I: Thực hiện thủ tục xin chấp thuận đầu tư ra nước ngoài.
Các trường hợp phải thực hiện thủ tục xin chấp thuận đầu tư ra nước ngoài gồm có:
1. Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư sau đây:
a) Dự án đầu tư có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 20.000 tỷ đồng trở lên;
b) Dự án đầu tư có yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.
2. Trừ các dự án đầu tư quy định tại khoản 1 Điều này, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư sau đây:
a) Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 400 tỷ đồng trở lên;
b) Dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 800 tỷ đồng trở lên.
3. Các dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không phải chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài.
Bước II: Thực hiện thủ tục xin giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài
1. Hồ sơ thực hiện thủ tục xin giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài gồm có:
a) Văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
b) Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
c) Quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định;
d) Văn bản cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư của tổ chức tín dụng được phép theo quy định;
đ) Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài trong các ngành, nghề có điều kiện, nhà đầu tư nộp văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật có liên quan (nếu có).
2. Trường hợp khoản vốn bằng ngoại tệ chuyển ra nước ngoài tương đương 20 tỷ đồng trở lên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ quy định , Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài thì phải thông báo cho nhà đầu tư bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục thực hiện thẩm định dự án đầu tư ra nước ngoài; cấp, điều chỉnh, chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
Sau khi thực hiện thủ tục xin giấy chứng nhận đầu tư sang Lào cần làm gì để triển khai thực hiện dự án ?
1. Mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài và đăng ký giao dịch ngoại hối
- Nhà đầu tư mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài tại một tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối. Mọi giao dịch chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài phải thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư quy định tại mục 1 theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.
- Sau khi thực hiện mở tài khoản vốn, nhà đầu tư cần thực hiện đăng ký giao dịch ngoại hối là thủ tục quan trọng trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư. Đăng ký giao dịch ngoại hối được hiểu là việc nhà đầu tư thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước các thông tin về nhà đầu tư, vốn đầu tư, tài khoản vốn đầu tư mở tại tổ chức tín dụng được phép để thực hiện hoạt động đầu tư tại nước ngoài và tiến độ chuyển vốn đầu tư bằng tiền ra nước ngoài. Từ 13/8/2016, hoạt động đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Thông tư 12/2016/TT-NHNN.
2. Chuyển vốn đầu tư sang Lào
- Nhà đầu tư được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
+ Hoạt động đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoặc cấp phép. Trường hợp pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư không quy định về việc cấp phép đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư, nhà đầu tư phải có tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư;
+ Có tài khoản vốn theo quy định tại Điều 65 của Luật đầu tư.
- Việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, xuất khẩu, chuyển giao công nghệ và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ hoặc hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài để phục vụ cho hoạt động khảo sát, nghiên cứu, thăm dò thị trường và thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư khác theo quy định của Chính phủ.
3. Sử dụng lợi nhuận ở nước ngoài
- Nhà đầu tư được giữ lại lợi nhuận thu từ đầu tư ở nước ngoài để tái đầu tư trong trường hợp sau đây:
+ Tiếp tục góp vốn đầu tư ở nước ngoài trong trường hợp chưa góp đủ vốn theo đăng ký;
+ Tăng vốn đầu tư ra nước ngoài;
+ Thực hiện dự án đầu tư mới ở nước ngoài.
- Nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo quy định đối với các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b mục 1 Điều này; thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo quy định đối với trường hợp quy định tại điểm c mục 1 ở trên.
4. Chuyển lợi nhuận về nước
- Trừ trường hợp giữ lại lợi nhuận theo quy định , trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, nhà đầu tư phải chuyển toàn bộ lợi nhuận thu được và các khoản thu nhập khác từ đầu tư ở nước ngoài về Việt Nam.
- Trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này mà không chuyển lợi nhuận và các khoản thu nhập khác về Việt Nam thì nhà đầu tư phải thông báo trước bằng văn bản cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thời hạn chuyển lợi nhuận về nước được kéo dài không quá 12 tháng kể từ ngày hết thời hạn quy định tại mục 1 Điều này.
- Trường hợp quá thời hạn quy định mà chưa chuyển lợi nhuận về nước và không thông báo hoặc trường hợp quá thời hạn được kéo dài quy định mà nhà đầu tư chưa chuyển lợi nhuận về nước thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Các vướng mắc khi thực hiện thủ tục xin giấy chứng nhận đầu tư sang Lào ?
Câu hỏi: Khi đầu tư sang Lào có bắt buộc phải thực hiện thủ tục xin giấy chứng nhận đầu tư sang Lào hay không ?
Trả lời: Khi đầu tư sang Lào bắt buộc phải thực hiện thủ tục xin giấy chứng nhận đầu tư sang Lào theo quy định của Luật Đầu tư tại Việt Nam. Việc xin giấy chứng nhận đầu tư để nhà nước quản lý được về lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài.
Câu hỏi: Có được phép chuyển tiền sang Lào trước khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư hay không ?
Trả lời: Khi thực hiện thủ tục xin giấy chứng nhận đầu tư sang Lào, các nhà đầu tư có thể chuyển tiền sang Lào trước khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Theo quy định trong Luật đầu tư có quy định các trường hợp được chuyển tiền trước khi cấp giấy đầu tư và hạn mức cụ thể như sau:
" 2. Nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ, hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư, bao gồm:
a) Nghiên cứu thị trường và cơ hội đầu tư;
b) Khảo sát thực địa;
c) Nghiên cứu tài liệu;
d) Thu thập và mua tài liệu, thông tin có liên quan đến lựa chọn dự án đầu tư;
đ) Tổng hợp, đánh giá, thẩm định, kể cả việc lựa chọn và thuê chuyên gia tư vấn để đánh giá, thẩm định dự án đầu tư;
e) Tổ chức hội thảo, hội nghị khoa học;
g) Thành lập và hoạt động của văn phòng liên lạc ở nước ngoài liên quan đến việc hình thành dự án đầu tư;
h) Tham gia đấu thầu quốc tế, đặt cọc, ký quỹ hoặc các hình thức bảo lãnh tài chính khác, thanh toán chi phí, lệ phí theo yêu cầu của bên mời thầu, quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư liên quan đến điều kiện tham gia đấu thầu, điều kiện thực hiện dự án đầu tư;
i) Tham gia mua bán, sáp nhập công ty, đặt cọc, ký quỹ hoặc các hình thức bảo lãnh tài chính khác, thanh toán chi phí, lệ phí theo yêu cầu của bên bán công ty hoặc theo quy định pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư;
k) Đàm phán hợp đồng;
l) Mua hoặc thuê tài sản hỗ trợ cho việc hình thành dự án đầu tư ở nước ngoài.
3. Việc chuyển ngoại tệ, hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật về ngoại hối, xuất khẩu, hải quan, công nghệ.
4. Hạn mức chuyển ngoại tệ theo quy định tại khoản 2 Điều này không vượt quá 5% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài và không quá 300.000 đô la Mỹ "
Câu hỏi: Khi thực hiện thủ tục xin giấy chứng nhận đầu tư sang Lào, nhà đầu tư có cần phải chứng minh năng lực tài chính không ? và chứng minh bằng cách nào ?
Trả lời: Khi thực hiện thủ tục xin giấy chứng nhận đầu tư sang Lào, nhà đầu tư phải chứng minh được năng lực tài chính của mình thông qua số dư tài khoản đối với cá nhân hoặc báo cáo tài chính đối với nhà đầu tư là tổ chức.
Dịch vụ thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng đầu tư sang Lào
- Tư vấn khách hàng thông tin liên quan đến thủ tục xin giấy chứng đầu tư sang Lào;
- Tiếp nhận thông tin từ khách hàng về thủ tục xin giấy chứng đầu tư sang Lào;
- Soạn thảo hồ sơ về thủ tục xin giấy chứng đầu tư sang Lào;
- Thay mặt khách hàng thực hiện thủ tục xin giấy chứng đầu tư sang Lào;
- Nhận và bàn giao kết quả cho khách hàng sau khi thực hiện xong thủ tục xin giấy chứng đầu tư sang Lào.
Trên đây là tư vấn của Luật P&P, quý công ty có thắc mắc hoặc nhu cầu sử dụng dịch vụ liên quan xin vui lòng liên hệ trực tiếp đến công ty để được tư vấn và hỗ trợ chi tiết.