Bạn có chắc chắn rằng cốc starbucks bạn uống ban sáng thực sự do Starbucks làm ra hay cũng là một sản phẩm của bên nhận quyền thương mại từ starbucks? Thủ tục nhượng quyền thương mại hiện nay trở nên vô cùng phổ biến khi có hàng loạt các thương hiệu nhượng lại quyền thương mại của mình cho một bên khác, từ đó, bên thứ 2 có thể kinh doanh, sản xuất dưới thương hiệu của chủ thể ban đầu. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu nhượng quyền thương mại, nhận quyền thương mại hay là bên thứ ba với mong muốn được nhận quyền thứ cấp, thì đây chính là bài viết mà bạn không nên bỏ qua.
Luật P&P xin gửi đến bạn những thủ tục và kinh nghiệm được đúc rút qua những lần thực hiện thủ tục nhượng quyền thương mại của mình như sau:
Đầu tiên, để thực hiện được thủ tục nhượng quyền thương mại chúng ta cần nắm được nhượng quyền thương mại là gì?
Nhượng quyền thương mại là hoạt động của bên có quyền thương mại đối với một thương hiệu (gọi là bên nhượng quyền) chuyển giao lại cho bên thứ hai (gọi là bên nhận chuyển nhượng) về một số hoặc toàn bộ các quyền sau:
a) Quyền được Bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu Bên nhận quyền tự mình tiến hành công việc kinh doanh cung cấp hàng hoá hoặc dịch vụ theo một hệ thống do Bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của Bên nhượng quyền;
b) Quyền được Bên nhượng quyền cấp cho Bên nhận quyền sơ cấp quyền thương mại chung;
c) Quyền được Bên nhượng quyền thứ cấp cấp lại cho Bên nhận quyền thứ cấp theo hợp đồng nhượng quyền thương mại chung;
d) Quyền được Bên nhượng quyền cấp cho Bên nhận quyền quyền thương mại theo hợp đồng phát triển quyền thương mại.
Tóm lại, luật thương mại 2005 quy định như sau: “Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.”
Hai bên tham gia vào thủ tục nhượng quyền thương mại có cần ký kết Hợp đồng với nhau không?
Bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng phải ký kết thoả thuận về việc nhượng quyền thương mại bằng văn bản – được gọi là Hợp đồng nhượng quyền thương mại.
Những quy định chung về Hợp đồng nhượng quyền thương mại là gì?
Nội dung chính của Hợp đồng nhượng quyền thương mại được quy định tại Nghị định 35/2006 NĐ-CP, như sau: "Điều 11. Nội dung của hợp đồng nhượng quyền thương mại:
Trong trường hợp các bên lựa chọn áp dụng luật Việt Nam, hợp đồng nhượng quyền thương mại có thể có các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Nội dung của quyền thương mại.
2. Quyền, nghĩa vụ của Bên nhượng quyền.
3. Quyền, nghĩa vụ của Bên nhận quyền.
4. Giá cả, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh toán.
5. Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.
6. Gia hạn, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp.”
Ngoài ra, Hợp đồng nhượng quyền thương mại còn phải được lập bằng tiếng Việt, các bên tự thoả thuận về thời hạn và hiệu lực của hợp đồng dựa trên cơ sở quy định của pháp luật
Cùng với việc ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại thì thủ tục đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan nhà nước cũng cần được tiến hành. Vậy, thủ tục này được quy định như thế nào và cần chú ý những điểm gì?
Trước khi tiến hành hoạt động nhượng quyền thương mại, thương nhân Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài dự kiến nhượng quyền phải đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này. Như vậy, thủ tục đăng ký nhượng quyền thương mại sẽ do bên Nhượng quyền thực hiện với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tuỳ vào từng trường hợp mà cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký thủ tục nhượng quyền Thương mại sẽ là Sở Công Thương hoặc Bộ Công Thương.
+ Sở Công thương thực hiện đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại trong nước.
+ Bộ Công thương thực hiện đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam, nhượng quyền của thương hiệu nước ngoài cho đơn vị tại Việt Nam trong lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cả hoạt động nhượng quyền thương mại từ Khu chế xuất, Khu phi thuế quan hoặc các khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật Việt Nam vào lãnh thổ Việt Nam;
Hồ sơ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại tại Bộ Thương mại bao gồm:
a) Đơn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại theo mẫu MĐ-1 tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư trong trường hợp nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài; bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập xác nhận trong trường hợp nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt nam;
d) Bản sao văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ;
đ) Giấy tờ chứng minh sự chấp thuận về việc cho phép nhượng quyền lại của bên nhượng quyền ban đầu trong trường hợp thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền là bên nhượng quyền thứ cấp;
Hồ sơ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại tại Sở Thương mại bao gồm:
a) Đơn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại theo mẫu MĐ-2 tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư;
d) Bản sao có công chứng văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ;
đ) Giấy tờ chứng minh sự chấp thuận về việc cho phép nhượng quyền lại của bên nhượng quyền ban đầu trong trường hợp thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền là bên nhượng quyền thứ cấp;
- Trong trường hợp giấy tờ tại điểm b, điểm d, điểm đ khoản 2 và khoản 3 Mục này được thể hiện bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và được công chứng bởi cơ quan công chứng trong nước. Trường hợp bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài tại điểm c khoản 2 Mục này được thể hiện bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và được cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài chứng nhận và thực hiện việc hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký có trách nhiệm đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại của thương nhân vào Sổ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại. Nhưng trên thực tế sẽ mất khoảng 5-10 ngày để đăng ký thành công thủ tục nhượng quyền thương mại.
Vướng mắc thường gặp khi thực hiện thủ tục nhượng quyền thương mại:
Câu hỏi: Khi thực hiện thủ tục nhượng quyền thương mại thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ là Sở kế hoạch nơi đặt trụ sở chỉnh của bên chuyển nhượng hay bên nhận chuyển nhượng?
Trả lời: Cơ quan tiếp nhận hồ sơ về thủ tục nhượng quyền thương mại kể trên là Sở Công thương nơi đặt trụ sở chính của bên chuyển nhượng hoặc Bộ Công Thương. Vì mọi thủ tục thông báo, đăng ký nhượng quyền thương mại đều là nghĩa vụ mà bên chuyển nhượng quyền thương mại phải thực hiện với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Câu hỏi: Trong trường hợp thực hiện thủ tục nhượng quyền thương mại diễn ra trong lãnh thổ Việt Nam, tuy nhiên thương hiệu đó đến từ nước ngoài thì cơ quan nào có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ?
Trả lời: Trong trường hợp trên thì Bộ Công Thương sẽ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ.
Câu hỏi: Trường hợp đăng ký nhượng quyền thương mại có nhượng quyền nhãn hiệu, tuy nhiên nhãn hiệu đó chưa có văn bằng bảo hộ mà chỉ có đơn chấp thuận về mặt hình thức. Như vậy có tiến hành thủ tục nhượng quyền thương mại đối với nhãn hiệu được không?
Trả lời: Không, có thể hiểu như sau: khi muốn nhượng quyền sử dụng của nhãn hiệu thì nhãn hiệu đó phải thuộc quyền sở hữu của bạn, có văn bản chứng minh quyền sở hữu (văn bằng bảo hộ). Thêm vào đó, quy định của pháp luật trong trường hợp nhượng quyền sở hữu công nghiệp, thì phải có văn bằng bảo hộ chứng minh.