Trong quá trình sử dụng đất thì có nhiều vấn đề phát sinh liên quan như: tranh chấp đất đai, phát sinh tài sản trên đất, chuyển nhượng, tặng cho,.. Khi người sử dụng đất có phát sinh tài sản trên đất thì phải tiến hành thủ tục đăng ký tài sản trên đất để bảo đảm quyền lợi của mình đối với tài sản có trên đất. Vậy thủ tục đăng ký tài sản trên đất cho cá nhân là như thế nào. Luật P&P xin cung cấp các vấn đề liên quan đến thủ tục đăng ký tài sản trên đất cho cá nhân.
Thế nào thủ tục đăng ký tài sản trên đất cho cá nhân là gì?
- Thủ tục đăng ký tài sản trên đất cho cá nhân là việc cá nhân kê khai và ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và quyền quản lý đất đối với một thửa đất vào hồ sơ địa chính.
- Hồ sơ địa chính bao gồm các tài liệu dạng giấy hoặc dạng số thể hiện thông tin chi tiết về từng thửa đất, người được giao quản lý đất, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, các quyền và thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Khi nào cá nhân phải thực hiện thủ tục đăng ký tài sản trên đất
- Khi có tài sản được hình thành trên đất là hợp pháp, không có tranh chấp
- khi cá nhân, hộ gia đình hay tổ chức đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất rồi nhưng khi cấp giấy chứng nhận này lại chưa có thông tin tài sản trên đất
- Thực hiện thủ tục đăng ký tài sản trên đất cho cá nhân để bảo vệ quyền lợi; thuận tiện trong việc đăng ký thế chấp tài sản với ngân hàng khi có nhu cầu vay vốn,.
Điều kiện để thực hiện thủ tục đăng ký tài tản trên đất cho cá nhân
Theo quy định tại Luật đất đai 2013 điều kiện để thực hiện thủ tục đăng ký tài sản trên đất cho cá nhân
Đối với trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không có thông tin về tài sản
- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
- Đất không có tranh chấp.
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
- Trong thời hạn sử dụng đất.
- Tài sản gắn liền với đất thuê được tạo lập hợp pháp theo quy định của pháp luật;
- Đã hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy hoạch xây dựng chi tiết và dự án đầu tư đã được phê duyệt, chấp thuận.
- Không vi phạm pháp luật về đất đai
Đối với trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
- Đất được sử dụng ổn định lâu dài, không phát sinh tranh chấp
- Các tài liệu giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất như sổ mục kê, hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, đấu giá,….
- Nguồn gốc tài sản phải gắn liền với đất và hợp pháp
- Không vi phạm pháp luật về đất đai
Các trường hợp cá nhân được đăng ký tài sản trên đất
Theo quy định tại Điều 99 Luật đất đai năm 2013 những trường hợp sau được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như sau:
- Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho những trường hợp sau đây:
+ Người đang sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại các điều 100, 101 và 102 của Luật đất đai năm 2013.;
+ Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ sau ngày Luật đất đai có hiệu lực thi hành;
+ Người được chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, được thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; người nhận quyền sử dụng đất khi xử lý hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất để thu hồi nợ;
+ Người được sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành đối với tranh chấp đất đai; theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án hoặc quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành;
+ Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất;
+ Người sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;
+ Người mua nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất;
+ Người được Nhà nước thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; người mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;
+ Người sử dụng đất tách thửa, hợp thửa; nhóm người sử dụng đất hoặc các thành viên hộ gia đình, hai vợ chồng, tổ chức sử dụng đất chia tách, hợp nhất quyền sử dụng đất hiện có;
+ Người sử dụng đất đề nghị cấp đổi hoặc cấp lại Giấy chứng nhận bị mất.
- Thửa đất được giao, cho thuê để sử dụng;
- Thửa đất đang sử dụng mà chưa đăng ký;
- Thửa đất được giao để quản lý mà chưa đăng ký;
- Nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chưa đăng ký
Trường hợp cá nhân không được đăng ký tài sản trên đất
- Tài sản gắn liền với đất mà thửa đất có tài sản đó không đủ điều kiện được cấp Giấy chứng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai và Nghị định 43/2014/NĐ-CP
- Nhà ở hoặc công trình xây dựng khác được xây dựng tạm thời trong thời gian xây dựng công trình chính hoặc xây dựng bằng vật liệu tranh tre, nứa, lá, đất; công trình phụ trợ nằm ngoài phạm vi công trình chính và để phục vụ cho việc quản lý, sử dụng, vận hành công trình chính;
- Tài sản gắn liền với đất đã có thông báo hoặc quyết định giải tỏa, phá dỡ hoặc đã có thông báo, quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Nhà ở, công trình được xây dựng sau thời điểm công bố cấm xây dựng; xây dựng lấn, chiếm mốc giới bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử văn hóa đã xếp hạng; tài sản gắn liền với đất được tạo lập từ sau thời điểm quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà tài sản được tạo lập đó không phù hợp với quy hoạch được duyệt tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
- Tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước, trừ trường hợp tài sản đã được xác định là phần vốn của Nhà nước đóng góp vào doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;
- Tài sản gắn liền với đất không thuộc trường hợp được chứng nhận quyền sở hữu theo quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP
- Tài sản tạo lập do chuyển mục đích sử dụng đất trái phép.
Hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký tài sản trên đất cho cá nhân
Theo quy định tại Thông tư 33/2017/TT-BTNMT thì thành phần hồ sơ để thực hiện thủ tục đăng ký tài sản trên đất cho cá nhân bao gồm:
- Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04a/ĐK;
- Trường hợp đăng ký tài sản trên đất là nhà ở thì Chủ sở hữu nhà ở thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở và có giấy tờ chứng minh việc tạo lập hợp pháp về nhà ở thì được chứng nhận quyền sở hữu theo quy định sau đây
Hộ gia đình, cá nhân trong nước phải có một trong các loại giấy tờ sau:
+ Giấy phép xây dựng nhà ở đối với trường hợp phải xin giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
+ Trường hợp nhà ở đã xây dựng không đúng với giấy phép xây dựng được cấp thì phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng xác nhận diện tích xây dựng không đúng giấy phép không ảnh hưởng đến an toàn công trình và nay phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
+ Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định tại Nghị định số 61/CP ngày 05 tháng 7 năm 1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở hoặc giấy tờ về thanh lý, hóa giá nhà ở thuộc sở hữu nhà nước từ trước ngày 05 tháng 7 năm 1994;
+ Giấy tờ về giao hoặc tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết;
+ Giấy tờ về sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ mà nhà đất đó không thuộc diện Nhà nước xác lập sở hữu toàn dân theo quy định tại Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội khóa XI về nhà đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01 tháng 7 năm 1991, Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02 tháng 4 năm 2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà đất trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01 tháng 7 năm 1991;
+ Giấy tờ về mua bán hoặc nhận tặng cho hoặc đổi hoặc nhận thừa kế nhà ở đã có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
+ Bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết được quyền sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;
+ Trường hợp người đề nghị chứng nhận quyền sở hữu nhà ở có một trong những giấy tờ trên mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác thì phải có một trong các giấy tờ về mua bán, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở trước ngày 01 tháng 7 năm 2006 có chữ ký của các bên có liên quan và phải được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận; trường hợp nhà ở do mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở trước ngày 01 tháng 7 năm 2006 mà không có giấy tờ về việc đã mua bán, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở có chữ ký của các bên có liên quan thì phải được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận về thời điểm mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở đó.
+ Trường hợp cá nhân trong nước không có một trong những giấy tờ quy định trên thì phải có giấy tờ xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nhà ở đã hoàn thành xây dựng trước ngày 01 tháng 7 năm 2006, được xây dựng trước khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hoặc phải phù hợp quy hoạch đối với trường hợp xây dựng sau khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn theo quy định của pháp luật. Trường hợp nhà ở hoàn thành xây dựng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2006 trở về sau thì phải có giấy tờ xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nhà ở không thuộc trường hợp phải xin giấy phép xây dựng và đáp ứng điều kiện về quy hoạch như trường hợp nhà ở xây dựng trước ngày 01 tháng 7 năm 2006; trường hợp nhà ở thuộc đối tượng phải xin phép xây dựng mà không xin phép thì phải có giấy tờ của cơ quan quản lý về xây dựng cấp huyện chấp thuận cho tồn tại nhà ở đó.
- Trường hợp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở
Hộ gia đình, cá nhân trong nước, cộng đồng dân cư phải có một trong các loại giấy tờ sau:
+ Giấy phép xây dựng công trình đối với trường hợp phải xin phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng. Trường hợp công trình đã xây dựng không đúng với giấy phép xây dựng được cấp thì phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng xác nhận diện tích xây dựng không đúng giấy phép không ảnh hưởng đến an toàn công trình và nay phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
+ Giấy tờ về sở hữu công trình xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ, trừ trường hợp Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng;
+ Giấy tờ mua bán hoặc tặng cho hoặc thừa kế công trình xây dựng theo quy định của pháp luật đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định;
+ Giấy tờ của Tòa án nhân dân hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết được quyền sở hữu công trình xây dựng đã có hiệu lực pháp luật;
+ Trường hợp người đề nghị chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng có một trong những giấy tờ trên mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác thì phải có một trong các giấy tờ mua bán, tặng cho, đổi, thừa kế công trình xây dựng trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 có chữ ký của các bên có liên quan và được Ủy ban nhân dân từ cấp xã trở lên xác nhận; trường hợp mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế công trình xây dựng trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà không có giấy tờ về việc đã mua bán, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế có chữ ký của các bên có liên quan thì phải được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận vào đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất về thời điểm mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế công trình xây dựng đó.
+ Trường hợp cá nhân trong nước không có một trong những giấy tờ trên thì phải được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận công trình đã hoàn thành xây dựng trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và công trình được xây dựng trước khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hoặc phải phù hợp quy hoạch đối với trường hợp xây dựng sau khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng.
Trường hợp công trình hoàn thành xây dựng từ ngày 01 tháng 7 năm 2004 thì phải có giấy tờ xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về công trình xây dựng không thuộc trường hợp phải xin giấy phép xây dựng và đáp ứng điều kiện về quy hoạch như trường hợp xây dựng trước ngày 01 tháng 7 năm 2004; trường hợp công trình thuộc đối tượng phải xin phép xây dựng mà không xin phép thì phải có giấy tờ của cơ quan quản lý về xây dựng cấp huyện chấp thuận cho tồn tại công trình đó.
- Sơ đồ về tài sản gắn liền với đất (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã có sơ đồ tài sản phù hợp với hiện trạng);
- Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp chứng nhận bổ sung quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
- Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về tài sản gắn liền với đất (nếu có);
- Văn bản chấp thuận của người sử dụng đất đồng ý cho xây dựng công trình đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật và bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp chủ sở hữu công trình không đồng thời là người sử dụng đất.
Lưu ý: Trường hợp công trình được miễn giấy phép xây dựng thì chủ sở hữu công trình nộp hồ sơ thiết kế xây dựng của công trình đó theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Thẩm quyền và thời gian thực hiện thủ tục đăng ký tài sản trên đất cho cá nhân
- Thẩm quyền thực hiện thủ tục đăng ký tài sản trên đất cho cá nhân
+ Nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện, với địa phương thành lập Bộ phận một cửa thì nộp tại Bộ phận một cửa hoặc Phòng tài nguyên và môi trường (trong trường hợp địa phương chưa thành lập Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai)
+ Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ tại UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn) nếu có nhu cầu.
- Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký tài sản trên đất cho cá nhân
+ Tính từ ngày Cơ quan đăng ký đất đai nhận được hồ sơ hợp lệ. 19 -25 ngày làm việc
+ Thời hạn giải quyết không tính thời gian:
+ Thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật;
+ Thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất;
+ Thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
Một số câu hỏi của khách hàng liên quan đến thủ tục đăng ký tài sản trên đất cho cá nhân
Khách hàng hỏi: Hiện tại tôi đang định cư ở ở nước ngoài có sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì tôi có được thực hiện thủ tục đăng ký tài sản trên đất hay không?
Luật P&P trả lời: Theo quy định tại Thông tư 33/2017/TT-BTNMT thì cá nhân là người Việt Nam đang định cư tại nước ngoài mà có sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì vẫn được thực hiện thủ tục đăng ký tài sản trên đất nếu có các giấy tờ sau:
- Giấy tờ về mua bán hoặc nhận tặng cho hoặc nhận thừa kế nhà ở hoặc được sở hữu nhà ở thông qua hình thức khác theo quy định của pháp luật về nhà ở;
- Có một trong các giấy tờ chứng minh việc tạo lập hợp pháp về nhà ở thì được chứng nhận quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.
Như vậy trong trường hợp mà bạn có các giấy tờ trên thì theo quy định của pháp luật đất đai thì bạn hoàn toàn có thể thực hiện việc đăng ký tài sản trên đất.
Khách hàng hỏi: Vợ chồng tôi có mua một thửa đất của ông A và có làm thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (cấp mới) năm 2018, lúc đó chung tôi chưa có bất cứ công trình xây dựng nào. Đến năm 2020, chúng tôi chuyển về đây sống hẳn, nên đã xây dựng một ngôi nhà 2 tầng. Vậy giờ vợ chồng tôi có đăng ký quyền sở hữu với ngồi nhà trên là tài sản gắn liền với đất được không? Nếu được thì chúng tôi có được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu không?
Luật P&P trả lời: Theo quy định của pháp luật đất đai thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất khi có căn cứ pháp lý. Việc chứng nhận quyền sở hữu nhà ở được quy định tại Điều 31 Nghị định 43/2014/NĐ-CP theo đó, chủ sở hữu nhà ở phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở và có giấy tờ chứng minh việc tạo lập hợp pháp về nhà ở. Cụ thể, theo Điều 8 Luật nhà ở 2014, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước được công nhận quyền sở hữu nhà ở khi có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức đầu tư xây dựng; mua, thuê mua; nhận tặng cho; nhận thừa kế; nhận góp vốn; nhận đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó để được công nhận quyền sở hữu nhà ở trên đất của vợ chồng bạn cần phải có một trong các giấy tờ sau:
- Giấy phép xây dựng nhà ở đối với trường hợp phải xin giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng
- Trường hợp nhà ở thuộc đối tượng phải xin phép xây dựng mà không xin phép thì phải có giấy tờ của cơ quan quản lý về xây dựng cấp huyện chấp thuận cho tồn tại nhà ở đó.
Sau đó vợ chồng bạn chuẩn bị bộ hồ sơ để bổ sung tài sản trên đất là nhà ở vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp trước đó.
Công việc của Luật P&P
- Tư vấn các vấn đề liên quan đến thủ tục đăng ký tài sản trên đất cho cá nhân
- Soạn thảo hồ sơ hoàn chỉnh để thực hiện thủ tục đăng ký tài sản trên đất cho cá nhân
- Thay mặt khách hàng thực hiện thủ tục đăng ký tài sản trên đất cho cá nhân
- Thực hiện thủ tục đăng ký tài sản trên đất tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền
- Nhận kết quả và bàn giao cho quý khách giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân
Liên hệ với Luật P&P
Hotline: 0989.869.523/ 0984.356.608
Email: Lienheluattuvan@gmail.com