Menu Hotline: 0989.869.523/ 0984.356.608

Luật sư giải quyết tranh chấp tài sản khi ly hôn

Từ thực tiễn xét xử tại Tòa án nhân dân những năm vừa qua cho thấy một thực tế đáng báo động: Tỷ lệ án ly hôn có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Đa phần các vụ án liên quan đến ly hôn đều có tranh chấp về tài sản. Để bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong quá trình giải quyết thì Luật sư đóng một vai trò hết sức quan trọng, luật P&P xin cung cấp tới quý khách hàng dịch vụ Luật sư giải quyết tranh chấp tài sản khi ly hôn.

Ly hôn là gì, Thế nào là tranh chấp tài sản khi ky hôn?


Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình

- Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn.

- Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

- Tranh chấp tài sản khi ly hôn là các tranh chấp liên quan đến tài sản nhằm xác định ai có quyền sở hữu tài sản hoặc phủ định quyền sở hữu tài sản đối với các chủ thể còn lại khi ly hôn nhân

- Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Tài sản chung của vợ chồng và nguyên tắc về chế độ tài sản của vợ chồng


Theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014

- Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

+ Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung

- Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.

- Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

- Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường.

Giải quyết khi ly hôn có phát sinh tranh chấp tài sản


- Trong trường hợp vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thoả thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo nội dung mà vợ chồng đã thoả thuận. Trường hợp vợ chồng thoả thuận không đầy đủ hoặc không rõ ràng thì Toà án áp dụng quy định tương ứng như chế độ tài sản theo quy định của pháp luật để giải quyết.

- Trong trường hợp vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo luật định thì khi ly hôn việc giải quyết tài sản do vợ chồng theo thoả thuận. Trong trường hợp vợ chồng không thoả thuận được thì Toà án giải quyết theo yêu cầu của vợ, chồng.

- Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố

+ Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

+ Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

+ Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

+ Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

- Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

- Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

- Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Các trường hợp phát sinh khi luật sư giải quyết tranh chấp tài sản khi ly hôn


- Trường hợp 1: Chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình

+ Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

+ Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần thì khi ly hôn, phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia theo quy định.

- Trường hợp 2: Chia quyền sử dụng đất của vợ chồng khi ly hôn. Khi ly hôn, chia quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng được thực hiện như sau:

+ Đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản: nếu cả hai bên đều có nhu cầu và điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì được chia theo thoả thuận của vợ chồng. Nếu không thoả thuận được thì Toà án áp dụng các nguyên tắc chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn để giải quyết. Trong trường hợp chỉ có một bên có nhu cầu và có điều kiện tiếp tục sử dụng đát thì bên đó được tiếp tục sử dụng nhưng phải thanh toán cho bên kia phần giá trị quyền sử dụng đất mà họ được hưởng. Trong trường hợp vợ chồng có quyền sử dụng đất chung với hộ gia đình thì khi ly hôn phần quyền sử dụng đất của vợ chồng được tách ra và chia.

+ Đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp để trồng rừng, đất ở: Việc giải quyết quyền sử dụng đối với loại đất này khi vợ chồng ly hôn áp dụng các nguyên tắc chia tài sản chung theo quy định tại Điều 59 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

+ Đối với loại đất khác thì được chia theo quy định của pháp luật đất đai.

- Trường hợp 3: Chia tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh. Vợ, chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác.

- Trường hợp 4: Chia nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ chồng

+ Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ chồng có thể chia để sử dụng thì khi ly hôn được chia theo quy định tại Điều 95 của Luật hôn nhân và gia đình 2014; nếu không chia được thì một bên sẽ phải thanh toán phần giá trị mà họ được hưởng 

+ Giải quyết quyền lợi của vợ, chồng khi ly hôn trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của một bên

+ Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của một bên đã được đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn, nhà ở đó vẫn thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà, nhưng phải thanh toán cho bên kia một phần giá trị nhà, căn cứ vào công sức bảo dưỡng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa nhà

Thẩm quyền khi giải quyết tranh chấp tài sản khi ly hôn


- Căn cứ vào khoản 1 Điều 28 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, vấn đề tranh chấp về chia tài sản sau khi ly hôn thuộc thẩm quyền của Tòa án. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp này theo điểm a Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

- Thủ tục giải quyết tranh chấp tương tự với việc giải quyết các tranh chấp dân sự khác. Khi muốn giải quyết, một bên vợ chồng phải có đơn khởi kiện gửi đến Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền. Ngoài ra, vì đối tượng tranh chấp là tài sản chung sau ly hôn nên đây được xác định là vụ án tranh chấp có giá ngạch. Do đó, số tiền án phí được xác định dựa vào tỷ lệ giá trị tài sản mà các bên tranh chấp. Cách tính án phí cụ thể sẽ được tính dựa vào danh mục án phí, lệ phí Tòa án được ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14.

Vai trò của Luật sư giải quyết tranh chấp tài sản khi ly hôn


- Luật sư giải quyết tranh chấp tài sản khi ly hôn giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đương sự trong khối tài sản chung. Luật sư sẽ nắm rõ tất cả các quy định liên quan, và đưa ra tư vấn, lời khuyên để đương sự có thể bảo vệ quyền lợi của mình trong khối tài sản chung của vợ chồng. Hơn nữa, Luật sư có thể đại diện cho đương sự trực tiếp tranh tụng tại Toà án để giành các quyền lợi hợp pháp về cho đương sự, cũng như đại diện cho đương sự làm việc với cơ quan thi hành án để thực thi phán quyết của Toà án đã có hiệu lực.

- Luật sư giải quyết tranh chấp tài sản khi ly hôn sẽ đánh giá toàn bộ hồ sơ, tài liệu, chứng cứ có trong vụ án và tư vấn pháp lý liên quan để đưa ra phương án giải quyết tối ưu cho khách hàng. Khi có Luật sư tham gia thì vụ án tranh chấp tài sản sẽ được giải quyết triệt hơn, rút ngắn thời gian hơn và tuân thủ pháp luật.

-  Luật sư giải quyết tranh chấp tài sản khi ly hôn giúp đương sự chuẩn bị các giấy tờ đầy đủ và chính xác nhất. Luật sư sẽ hỗ trợ đương sự rất nhiều việc liên quan đến giấy tờ khi đương sự ly hôn, bao gồm: hỗ trợ đương sự soạn thảo đơn ly hôn, thu thập các văn bản, giấy tờ trong hồ sơ ly hôn, chuẩn bị các chứng cứ có liên quan, tiếp xúc với Toà án, cơ quan thi hành án và nhận các quyết định tống đạt giấy tờ....

Những vướng mắc khi không có luât sư giải quyết tranh chấp tài sản khi ly hôn


Khi các đương sự có ly hôn mà có tranh chấp tài sản mà không có luật sư tư vấn hay giải quyết liên quan đến yêu cầu tài sản thì có thể phát sinh các vướng mắc sau:

- Bỏ sót các yêu cầu khi ly hôn

- Không xác định được cụ thể các tài sản khi ly hôn (tài sản nào là tài sản chung, tài sản nào là tài sản riêng)

- Không đánh giá được yêu cầu về tài sản của một bên vợ hoặc chồng là có hợp pháp hay không

- Không ước lượng giá trị tài sản mà mình yêu cầu khi có yêu cầu chia tài sản khi ly hôn

-  Bị gây khó dễ từ một bên (vợ hoặc chồng) trong việc cung cấp các tài liệu liên quan đến yêu cầu ly hôn

- Không xác định được mình sẽ nên thu thập những tài liệu, nguồn chứng cứ gì để chứng minh cho việc yêu cầu chia tài sản khi ly hôn của mình (Tài liệu nào có lợi, nguồn chứng cứ nào sẽ sử dụng và giao nộp cho Tòa án)

- Bị kéo dài thời gian giải quyết (do không nắm bắt được quy trình giải quyết)

- Không bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình giải quyết tại Tòa án (do không có hướng đi phù hợp)

Những công viêc khi luật sư giải quyết tranh chấp tài sản khi ly hôn


- Nhận định vấn đề khi khách hàng trao đổi về yêu cầu ly hôn

- Đánh giá yêu cầu liên quan đến ly hôn của khách hàng

- Tìm hiểu các vấn đề liên quan đến ly hôn của khách hàng

- Tư vấn, hướng dẫn khách hàng khởi kiện, chuẩn bị hồ sơ theo kiện

- Soạn thảo đơn từ, các văn bản gửi tới các cơ quan có thẩm quyền (đơn khởi kiện, các đề xuất trong quá trình tố tụng, yêu cầu thi hành án…)

- Tư vấn cách thức giải quyết tranh chấp, đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của các bên tranh chấp

- Điều tra thu thập chứng cứ - tài liệu, kiểm tra đánh giá chứng cứ - tài liệu để trình trước Tòa

- Đánh giá các tài liệu và chứng cứ có trong hồ sơ để đề xuất hướng giải quyết tối ưu cho khách hàng

- Tham gia tố tụng với tư cách là luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn khi khách hàng có yêu cầu

- Hỗ trợ cho khách hàng các vấn đề liên quan đến các vấn đề phát sinh khi ly hôn

Một số câu hỏi của khách hàng liên quan đến luật sư giải quyết tranh chấp tài sản khi ly hôn


Khách hàng hỏi: Vợ chồng tôi kết hôn vào năm 2008, Vào năm 2012 thì chồng tôi có làm đơn lên UBND huyện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích là 500 m2 đất ở và 250 m2 diện tích nhà ở. Nguồn gốc đất là do vợ chồng bỏ tiền mua từ một họ hàng của nhà chồng. Năm 2018 tôi có phát hiện chồng tôi ngoại tình và đã ly thân từ thời điểm đó đến nay.  Tôi muốn làm đơn yêu cầu ly hôn và có yêu cầu chia đôi đất và nhà ở thì tôi có được chia không? Giấy chứng nhận quyến sử dụng đất hiện chỉ thể hiện một mình chồng tôi.

Luật P&P trả lời: Do bạn kết hôn vào năm 2008 nên sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.

- Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.

- Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận.

Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất.

Theo đó, tài sản kể cả quyền sử dụng đất hình thành sau thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng. Việc chỉ vợ hoặc chồng đứng tên trên GCN quyền sử dụng đất không phải là căn cứ để xác định quyền sở hữu riêng của vợ hoặc chồng đối với tài sản này

Hiện nay theo quy định tại khoản 4 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ ngày 01/07/2014 quy định: “Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.

Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu”.

Căn cứ theo các quy định trên và nguồn gốc hình thành là do vợ chông bạn mua trong thời ký hôn nhân nên đất ở trên mặc dù trên Sổ chỉ đứng tên Chồng của bạn thì vẫn được coi là tài sản chung của hai vợ chồng. Vì vậy khi bạn có yêu cầu ly hôn và yêu cầu chia tài sản là đất nói trên thì vẫn sẽ được chia đôi theo quy định. Trường hợp bạn vẫn để chồng bạn sử dụng thì chồng bạn sẽ phải thanh toán cho bên kia phần giá trị mà họ được hưởng

Khách hàng hỏi: Tôi có sáng tạo ra một sáng chế trong thời kỳ hôn nhân và đã được cấp bằng độc quyền sáng chế. Trường hợp vợ tôi ly hôn thì vợ tôi có được yêu cầu chia đối với sáng chế này không?

Luật P&P trả lời: Với câu hỏi của bạn luật P&P giải đáp như sau:

Theo quy định tại Nghị định 126/2014/NĐ-CP thì tài sản riêng của vợ chồng trong thời ký hôn nhân bao gồm:

“1. Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.

2. Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.

3. Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.”

Như vậy đối chiếu quy định trên trường hợp khi ly hôn vợ bạn có tranh chấp tài sản liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ thì sẽ không được Tòa án chấp nhận. Vì tài sản sở hữu trí tuệ trên được coi là tài sản riêng của bạn.

Khách hàng hỏi: Tôi tự mua nhà bằng tài sản riêng của mình, khi vợ tôi có yêu cầu ly hôn và yêu cầu chia sản thì tôi có phải cho vợ khi vợ không đóng góp gì?

Luật P&P trả lời: Căn cứ theo Điều 43, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về tài sản riêng của vợ, chồng như sau:

“1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này”

Theo như quy định trên thì về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn, tài sản riêng của vợ chồng sẽ thuộc quyền sở hữu của người đó. Để ngôi nhà không bị phân chia khi tiến hành ly hôn, bạn phải chứng minh được đó là tài sản riêng của bạn. Nếu ngôi nhà được mua tại thời điểm trước thời kỳ hôn nhân thì việc chứng minh tài sản riêng không quá khó khăn, tuy nhiên, nếu ngôi nhà này được mua trong thời kỳ hôn nhân thì việc chứng minh tài sản riêng lại không hề dễ dàng. Bạn phải có căn cứ chứng minh được tài sản đấy được mua hoàn toàn bằng tiền bạn kiếm được, không có sự giúp sức hay đóng góp cải tạo, sửa chữa gì của người vợ. 

Vì vậy để bác yêu cầu chia tài sản khi ly hôn là căn nhà mà bạn mua của người vợ thì nghĩa vụ chứng minh tài sản riêng thuộc về phía bạn. Trường hợp bạn có đủ căn cứ chứng minh ngôi nhà đó là tài sản riêng của bạn thì sẽ không bị chia tài sản này khi ly hôn.

Liên hệ với Luật P&P


Hotline: 0989.869.523/ 0984.356.608

Email: Lienheluattuvan@gmail.com

Đối tác chiến lược